Những bước chân vững chãi
Có lẽ cần nhắc lại một chi tiết: chưa bao giờ người hâm mộ được xem một đội tuyển bóng đá của nước ta chơi bóng với tư thế tuyệt vời đến vậy. Những phẩm chất “kiên cường, bất khuất” của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được thể hiện trọn vẹn trong bóng đá như những gì U.23 Việt Nam đã thể hiện tại vòng chung kết U.23 châu Á vừa qua.
Điều tuyệt vời hơn, tinh thần ấy diễn ra suốt cả giải đấu, vượt qua nghịch cảnh thật đáng kinh ngạc. Đội tuyển đã khởi đầu giải bằng một trận thua, nhưng vẫn tự mình giành cơ hội vào tứ kết. Sau đó, trong cả 3 trận knock-out, chúng ta luôn bị đối thủ dẫn trước ở một thời điểm nào đó, nhưng các cầu thủ đã thể hiện xuất sắc tinh thần quyết tâm đến cùng.
Làm được một lần, có thể là may mắn, hai lần, có thể là nỗ lực vượt khó, nhưng nhiều lần như thế, chắc chắn là phải được trui rèn.
Để làm được kỳ tích vừa qua, thì chỉ tinh thần thôi không đủ. Có tinh thần mà không có chiến thuật hợp lý thì cũng vô ích. Có tinh thần, chiến thuật mà thiếu thể lực thì cũng không đạt hiệu quả. Kỳ tích của U.23 Việt Nam là tổng hợp của tất cả những yếu tố đó. Đó được xem là bản lĩnh, thứ phẩm chất chỉ dành cho những người đi chinh phục vinh quang và là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn tạo dựng được thành tích nổi trội.
Bản lĩnh của các cầu thủ được thể hiện rõ nhất không chỉ qua những gì họ làm với trái bóng mà còn thể hiện ở tính đoàn kết khi đội trưởng Xuân Trường lẳng lặng ôm một chồng áo khoác cho đồng đội đỡ lạnh trong khi chờ đá penalty. Là hành động cắm cờ lên tuyết rồi cúi người chào của Duy Mạnh. Là hình ảnh khoanh tay “ngạo nghễ” của Văn Thanh sau khi sút thành công quả đá luân lưu 11m quyết định ở trận bán kết. Là đôi cánh tay dang rộng như cánh chim làm nghiêng cả một trời tuyết trắng khi Quang Hải ăn mừng bàn thắng gỡ hòa ở trận chung kết.
Đó là những nguồn sức mạnh để bóng đá Việt Nam san bằng mọi trở ngại, khoảng cách để vươn đến một đẳng cấp mới.
Thay đổi Thế và Lực
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà Chính phủ đã phê duyệt hồi năm 2013 có đặt mục tiêu đến năm 2020, đội tuyển quốc gia sẽ vô địch AFF Cup thêm ít nhất 1 lần, vào tốp 15 châu Á và tầm nhìn đến 2030 sẽ là tốp 10 châu Á.
Những mục tiêu ấy dựa trên những ưu điểm nổi bật của bóng đá Việt Nam như phẩm chất kỹ thuật, vị trí số 1 của bóng đá trong nền thể thao nước nhà, cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn gặp thất bại chỉ với một nguyên nhân: thiếu sự tự tin vào bản thân, không biết cách vượt qua chính mình.
Nhưng nay, U.23 Việt Nam đã chứng minh tầm nhìn của Chiến lược ấy rất đúng đắn. Chúng ta đã biết cách khỏa lấp sự thua sút về thể hình bằng một lối chơi khoa học và tinh thần chiến đấu cao. Chúng ta cũng khẳng định, khả năng chơi bóng không hề thua kém các quốc gia đứng đầu châu lục. Chúng ta cũng đang có nhiều lứa cầu thủ trẻ từ U.16 đến U.23 đang đứng trong tốp đầu châu lục. Chúng ta cũng đã có hẳn một công thức thành công, đó chính là sức mạnh đoàn kết cùng với tư duy chiến thuật sắc sảo của một chuyên gia nước ngoài.
Bóng đá Việt Nam cần một điểm tựa và chiến tích của U.23 Việt Nam thực sự là một cột mốc lịch sử. Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi đến Trung Quốc, đội tuyển của HLV Park Hang-seo lần thứ 2 kể từ năm 2008, giành chiến thắng trước Thái Lan ngay trên sân của họ. Rõ ràng, Thế và Lực của bóng đá Việt Nam hiện nay đã khác.
Sau U.23 châu Á, năm 2018 còn bận rộn với giải U.19 châu Á, ASIAD, AFF Cup và cả Asian Cup vào đầu năm sau. Một vận hội lớn trước mắt để tiến ra biển lớn. Vì vậy, điều quan trọng lúc này đó là giữ vững tầm nhìn và tìm cách vun đắp cho thế hệ hiện nay cũng như những tuyến kế cận.