Cuộc tranh cãi bản quyền truyền hình đã có kết luận đầu tiên, liên quan đến tính pháp lý của hợp đồng VFF - AVG. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng nói lên bản chất của vấn đề đó là: rốt cuộc “chiếc bánh truyền hình” sẽ được phân chia thế nào?
Chúng ta hãy hình dung, bản quyền truyền hình là một chiếc bánh lớn và mỗi bên liên quan đều có phần được chia. Kết luận của thanh tra về hợp đồng AVG - VFF chỉ mới xác định vế thứ nhất: ai mới là nơi có quyền cầm dao để cắt “miếng bánh” ấy chứ chưa hề chạm đến bản chất của vấn đề.
Trước khi nói về bản chất, hãy bắt đầu từ việc mà hình như các bên liên quan đều ít nhiều bỏ qua: ai làm nên “chiếc bánh” ấy? Nói đến đây, lại cần phải xác định thêm một vấn đề khác: có bao nhiêu “chiếc bánh”?
Tại sao chúng tôi đặt ra những câu hỏi như vậy? Nếu chúng ta đã xem bóng đá Anh thì đều biết, bản quyền của Premier League khác với bản quyền FA Cup và tất nhiên, cũng khác League Cup. Người Anh phân biệt kỹ từng loại “bánh” cốt là để cho từng chiếc có những giá trị riêng của nó và cũng bởi người làm ra từng chiếc “bánh” cũng khác nhau.
Chính sự tách bạch này khiến cho dù kém thế hơn Premier League nhưng FA Cup vẫn được chào đón trên khắp thế giới. Chính sự tách bạch đó sẽ giúp cho các nhà tổ chức FA Cup phải làm sao để nâng cao chất lượng, mức độ hấp dẫn của giải. Phải chăng, đấy chính là động lực để những người làm ra từng “chiếc bánh truyền hình” phải nỗ lực hơn.
o 0 o
Trong khi đó, tại Việt Nam, qua cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình lại thấy “chiếc bánh” ấy cứ như thể được quăng bừa lên mặt bàn. Chẳng ai biết nó là một hay nhiều “chiếc bánh” bởi nó khá…vô hình. Những người làm ra chiếc bánh, chính là các CLB lại hình như chẳng ai biết quyền năng của mình cả.
Thế nên, nhất thiết phải đặt ra một vấn đề: đến một ngày nào đó, khi những “người làm bánh” ấy thấy được quyền hạn và lợi ích của mình, liệu sự đúng sai của hợp đồng VFF-AVG có còn giá trị gì không? Kết luận thanh tra thực ra chỉ xoay quanh tính pháp lý của hợp đồng chứ không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản nhất mà VPF đã khởi xướng tranh đấu.
Không thể vì kết luận thanh tra ấy mà thời hạn 20 năm, giá trị hiện kim cũng như quyền hạn của các chủ thể hợp đồng là VFF và AVG sẽ được bảo hộ mãi.
Những tiền lệ trên thế giới cho thấy, xung đột bản quyền truyền hình là thường xuyên khi lợi ích của mỗi CLB khác nhau ở từng thời điểm. Những xung đột đó hoàn toàn có thể xảy ra tại Việt Nam trong tương lai gần và khi ấy, không thể cứ cho rằng hợp đồng VFF- AVG là cái gì đó bắt buộc phải tuân theo.
Chúng tôi đặt vấn đề đó ở đây vì thiết nghĩ các bên liên quan đừng vì kết luận thanh tra mà tiếp tục quăng “chiếc bánh” truyền hình một cách vô tội vạ lên bàn rồi ai muốn cắt phần to, nhỏ, lớn, bé… thì cứ lao vào mà nhận. Tại sao không ngay thời điểm này, phải ngồi lại để phân chia “chiếc bánh” ấy một cách minh bạch nhất. Ít nhất, cũng phải xác định rõ có bao nhiêu “chiếc bánh”, do những ai làm và giá trị của nó đến đâu.
Tất nhiên, trong cuộc phân chia ấy, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, quyền và nghĩa vụ của 2 chủ thể hiện thời là VFF và AVG sẽ được tôn trọng cao nhất.
Nói một cách hình tượng: nếu xem bản quyền truyền hình là một “chiếc bánh” thơm thì để thưởng thức cho ngon lành, rất cần có vị chủ tiệc biết cách sắp xếp và những người dự tiệc đều có văn hóa, sành ăn!
Hồ Việt