Chắp cánh bóng đá trẻ

Nếu như năm 2014, lứa cầu thủ U.19 Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) đã thực sự gây “sốt” qua các giải đấu quốc tế và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thì năm 2015, dàn cầu thủ trẻ của PVF, Viettel có sự tiếp bước hoàn hảo khi giành vé tham dự vòng chung kết giải U.19 châu Á. Không những thế, các tuyến kế cận của bóng đá Việt Nam tiếp tục khởi sắc để hy vọng vào tương lai.

Nếu như năm 2014, lứa cầu thủ U.19 Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) đã thực sự gây “sốt” qua các giải đấu quốc tế và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thì năm 2015, dàn cầu thủ trẻ của PVF, Viettel có sự tiếp bước hoàn hảo khi giành vé tham dự vòng chung kết giải U.19 châu Á. Không những thế, các tuyến kế cận của bóng đá Việt Nam tiếp tục khởi sắc để hy vọng vào tương lai.

Khi bầu Đức tung lứa cầu thủ đầu tiên của học viện vào V-League, nhiều người đã tỏ ra lo ngại cho sự thành công của các cầu thủ trẻ, bởi môi trường V-League vốn rất khắc nghiệt so với lứa tuổi U.19 của họ. Thực tế trên sân cỏ đã cho thấy, HA.GL đã “lên bờ xuống ruộng” xuyên suốt từ đầu đến cuối mùa. Dù lần lượt sử dụng đến 6 cầu thủ ngoại, nhưng họ cũng không thể cứu vãn tình thế cho đến bước ngoặt vào cuối mùa là thay huấn luyện viên, khi ấy HA.GL mới kịp trụ hạng trước vòng đấu cuối.

Nhưng đổi lại, bầu Đức có được về mặt thương hiệu. HA.GL đi đến đâu, khán giả nườm nượp đến đó. Từ trận đầu tiên trên sân nhà khiến các khán đài sân Pleiku muốn vỡ tung, cho đến các chuyến làm khách tại Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Vinh, Hàng Đẫy, Thanh Hóa… đã làm ban tổ chức các sân phải vất vả vì lượng khán giả quá đông.

Khán giả đầy ắp sân Thống Nhất trong những trận đấu của các cầu thủ trẻ HA.GL. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chính sự thành công của HA.GL về mặt thương hiệu, tạo sự phấn khích nơi người xem về thứ bóng đá sạch đã tạo tiền đề cho nhiều “lò” khác hướng tới, trong đó có Viettel và PVF. Họ đã có sự “liên thủ” thành công khi làm nòng cốt cho đội hình U.19 quốc gia và xuất sắc giành vé tham dự vòng chung kết giải U.19 châu Á 2016. Hay tại TPHCM, năm qua đã xuất hiện Học viện Bóng đá NutiFood-HA.GL-Arsenal-JMG; sau đó không lâu cũng tại TPHCM có thêm mô hình học viện khác khi liên kết cùng câu lạc bộ Lyon (Pháp).

Khi thời hoàng kim ở V-League vẫn chưa quay lại, thì chính những mô hình căn cơ như các “lò” kể trên sẽ giúp ích cho nền bóng đá rất nhiều. Bản thân họ vừa có được CLB hoàn chỉnh, có cầu thủ để sẵn sàng cho mượn, chuyển nhượng… thậm chí như Công Phượng và Tuấn Anh đã có cơ hội sang Nhật thi đấu. Vừa có thêm thu nhập và cũng vừa nâng cao bản lĩnh kinh nghiệm tại giải đấu danh giá này.

Bên cạnh các trung tâm, “lò” đào tạo, học viện bóng đá, trong năm qua các sân chơi dành cho cầu thủ trẻ tiếp tục được duy trì và phát triển rộng rãi theo mô hình bóng đá cộng đồng. Ở đó, chủ yếu để tạo sân chơi cho các em nhỏ vào mỗi cuối tuần vừa để giúp các em vận động sau một tuần học tập và quan trọng là đẩy lùi “cơn nghiện game” mà nhiều bậc phụ huynh đang lo ngại trong thời kỳ công nghệ hiện nay. Lớp học “Ươm mầm tương lai” do các cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn tổ chức tại sân Tao Đàn đã đạt ngưỡng 200 học viên, con số thật hấp dẫn với sân chơi mang tính cộng đồng này. Sức sống của bóng đá trẻ trong năm 2015 còn được thể hiện ở bầu không khí lễ hội tại TPHCM qua giải U.21 quốc tế Báo Thanh niên. Bóng đá trẻ đã được chào đón nồng nhiệt khi các khán đài sân Thống Nhất luôn đầy ắp khán giả, và dĩ nhiên sức hút chính vẫn đến từ lứa cầu thủ của Học viện HA.GL. Hình ảnh đó như một tín hiệu của bóng đá trẻ chúng ta, sẽ luôn nhận được sự quan tâm nếu được đào tạo căn cơ và thi đấu cống hiến.

QUỐC CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục