Không biết khi nào nền bóng đá của ta mới lớn lên được khi mà gặp phải hết cú sốc này đến cú sốc khác, lúc thì do cầu thủ, khi lại từ quan chức bóng đá. Thất bại ở bán kết AFF Cup lần này, buồn vì đội bóng ít nhưng nản vì cách hành xử chung quanh thất bại đó lại nhiều.
Không cần nhắc lại cũng thấy lần này người hâm mộ “tiêu hóa” thất bại của đội tuyển khá nhanh, cay đắng nhưng không cay cú, bởi dường như đa số hiểu rằng ta thua là do chủ quan, tự tin thái quá. Hơn nữa, người ta tin vào một HLV như Miura có bản sắc, tin vào những lứa cầu thủ hiện tại khá đầy đủ tố chất để có thể xây dựng nên một đội tuyển không e dè trước đối thủ và biết đi đến chiến thắng một cách thông minh hơn trong thời gian tới.
Vậy mà, khác với các lần trước, khi người hâm mộ đang chấp nhận thực tại thì chính một số quan chức bóng đá lại tìm cách hướng dư luận sang hướng có tiêu cực nơi cầu thủ. Rồi sau đó, một vài luồng thông tin “dẫn” phát biểu của quan chức này để nâng lên cho rằng dư luận bức xúc đòi “xử” các cầu thủ được cho là có dấu hiệu bán độ và nghiễm nhiên trận thua trở thành một nghi án. Hy vọng rồi nghi án lần này sẽ có kết luận cụ thể, cầu thủ tiêu cực sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhưng nếu trong sạch thì họ nhất thiết phải nhận được lời xin lỗi từ người quy kết họ. Ở đây, chỉ xin bàn thêm dưới góc độ cay cú ăn thua, vốn chỉ phổ biến ở… giới cá cược.
Khu vực Đông Nam Á có hơn chục đội bóng, trong đó gần như tách hẳn hai nhóm có trình độ chênh lệch nhau khá rõ. Nhóm xếp trên quanh đi quẩn lại gồm 6 đội Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia và Myanmar; nhóm còn lại gồm Philippines, Lào, Campuchia, Đông Timor, Brunei. Từ AFF Cup là giải chính thức cấp đội tuyển, đến SEA Games dành cho U.23 và các giải trẻ khác, 6 nền bóng đá nhóm trên cứ thay nhau dẫn đầu. Nhìn một cách toàn diện, trong khu vực chỉ có mỗi Thái Lan là có đội tuyển nhỉnh hơn, có thể góp chút tiếng nói ra sân chơi châu lục, các đội còn lại thì chưa thể ra khỏi “ao làng”. Cũng chính vì đặc điểm này mà khi các đối thủ này gặp nhau thì chẳng đoán trước được phần thắng nghiêng về bên nào. Thái Lan bài bản và chơi khoa học vậy mà cũng nhiều phen thúc thủ trước Singapore hay Việt Nam. Điều dễ thấy là hầu hết các nền bóng đá này (ngoài Thái Lan) chưa có một chiến lược lâu dài, khoa học và đúng hướng theo kiểu Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đội tuyển khi thì toàn các gương mặt già nua, lúc lại đầy thành phần mới; khi may mắn thắng liên tiếp vài mùa thì HLV dù dở hay giỏi cũng được ca tận mây xanh, chỉ thua vài trận coi như thuyền trưởng hết cửa. Gần đây, “bóng ma” cá độ lại là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá khu vực thêm rệu rã và khi thua trận, điều người ta nghĩ đến đầu tiên là làm độ.
Với một “môi trường” như vậy, “bắt” đội tuyển luôn thắng là điều viển vông. Cái cần là liên đoàn phải xây dựng một nền tảng vững chắc rồi hãy nghĩ đến thành công. Chính các quan chức bóng đá hiện nay cũng hay dẫn lại câu “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” của cựu HLV A.Riedl để phê phán các nhiệm kỳ trước đó, vậy mà vẫn chưa thấy một cái móng nào được xây để ngôi nhà bóng đá không còn chông chênh. Thay vào đó, dường như người ta quy ước với nhau rằng thắng là nhờ đầu tư đúng hướng, còn thua là do… tiêu cực! Trong khi người hâm mộ đã có những bước tiến dài, cổ động bài bản, cái nhìn nhân văn, không còn cay cú ăn thua bằng mọi giá thì những người làm bóng đá dường như đi ngược lại xu hướng ấy.
PHƯƠNG NAM