Câu chuyện chiếc giày nhỏ

Cựu danh thủ Tam Lang kể rằng, vào thập niên 1960, trong một lần thi đấu giao hữu tại Việt Nam, đại diện bóng đá Nhật Bản đã tặng đội bóng của ông mô hình chiếc giày nhỏ với ý nghĩa bóng đá Nhật Bản chỉ như “chiếc giày nhỏ” so với “chiếc giày lớn” của bóng đá Việt Nam. Ngày ấy, Tam Lang được mệnh danh là trung vệ xuất sắc nhất châu Á, trong khi bóng đá Nhật còn khá vô danh, được thi đấu với Việt Nam là niềm mong ước của họ.

Nhưng từ chiếc giày nhỏ ấy, bóng đá Nhật giờ đây đã 4 lần dự vòng chung kết World Cup bóng đá nam, luôn đứng đầu châu Á kể cả nam và nữ. Sự ảnh hưởng của bóng đá xứ hoa anh đào đang ngày càng bao trùm khu vực. Một mặt, họ có những đại sứ bóng đá khi khá nhiều tuyển thủ thi đấu cho các câu lạc bộ mạnh nhất châu Âu ở giải Anh, Đức, Italia…, một mặt giải vô địch Nhật Bản (J-league) đang bắt đầu thu hút các chân sút châu Á đến thi đấu.

Tại Việt Nam, sự kiện CLB Kashima Antlers vừa có trận giao hữu với U.23 Việt Nam và trước đó vài ngày, CLB Kawasaki Frontale thi đấu với CLB Bình Dương cho thấy chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của họ đang được đẩy mạnh.

Dĩ nhiên, người Nhật không làm chuyện gì mà không tính đến hiệu quả lâu dài. Để thu hút cầu thủ các nước trong khu vực đến J-league thi đấu, họ cho phép các câu lạc bộ sử dụng cầu thủ Đông Nam Á nhưng không tính là cầu thủ ngoại. Chỉ riêng chính sách này, trong vài năm tới, “nội binh” Đông Nam Á mà tập trung là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia… sẽ trở nên quen thuộc ở J-league. Đi theo đó, J-league chắc chắn cũng sẽ tràn ngập trên sóng truyền hình ở các nước này. Một ngày không xa, khi có một cầu thủ Việt Nam thi đấu tại Nhật, có lẽ sức hút của J-league đối với người hâm mộ không thua kém gì các giải châu Âu.

Sự khuếch trương ấy cũng giúp các nền bóng đá đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được hưởng lợi. “Chiếc giày lớn” Việt Nam từ những năm 1960 giờ chỉ là chiếc giày bé xíu so với Nhật Bản, nhưng nếu chúng ta biết chấp nhận thực tế và có chiến lược đầu tư, hợp tác, bóng đá Việt Nam cũng có thể vươn xa hơn.

Trước mắt, sự hợp tác sẽ đưa bóng đá Việt Nam du nhập vào một môi trường bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu lục. Nó không chỉ là nơi cọ xát của cầu thủ mà còn là môi trường cho các nhà tổ chức, quản lý học hỏi một cách tốt nhất cho các giải đấu trong nước cũng như xây dựng chiến lược phát triển cho đội tuyển. Chỉ riêng bóng đá nữ, khi mà VFF vẫn còn chưa biết đưa đội tuyển đi tập huấn ở đâu thì các tuyển thủ nữ Thái Lan và Myanmar đã có mặt tập luyện tại Nhật để quyết tâm cạnh tranh suất dự World Cup 2015 với tuyển Việt Nam.

Đã một lần, chúng ta tự biến “chiếc giày lớn” trở nên bé xíu thì đây là cơ hội để có thể làm điều ngược lại.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục