Cần thêm một giải đấu cho V-League

1. Giải đấu truyền hình Bình Dương có nguồn gốc là một giải giao hữu tập huấn nhằm giải quyết khoảng thời gian nghỉ rất dài giữa 2 mùa bóng. Dần dà, giải đấu này cũng có thương hiệu riêng, tuy nhiên, tính chất của giải thì không được cải thiện dù BTC cũng đã cố gắng mời các đội mạnh trong nước và các CLB nước ngoài.

Nhưng nếu nhìn từ việc duy trì lâu dài của BTV Cup, có lẽ các nhà tổ chức tại Công ty VPF nên nghĩ đến việc tổ chức một giải đấu phụ bằng cách phối hợp cùng BTV để nâng cấp giải đấu truyền thống này lên. Ví dụ như chọn 4 đội đứng đầu V-League và 2 đội vào chung kết Cúp Quốc gia, sau đó chọn thêm 2 đội khách mời có chất lượng để tạo thêm một cơ hội thi đấu cho các CLB tại V-League. Khi đó, giải đấu phát sinh này sẽ thu hút bằng tiêu chí duy nhất: Thi đấu chỉ khoảng 20 ngày nhưng tiền thưởng rất cao, thậm chí còn cao hơn cả chức vô địch V-League. Đây sẽ là động lực để các đội cố gắng vào tốp 4 của V-League để giành quyền đá thêm giải phụ này.

BTV Cup là giải đấu rất đáng được nâng cấp. Ảnh: Hoàng Hùng

2. Ở các môn thể thao khác, chuyện tổ chức thêm một giải đấu chủ yếu để tranh tiền thưởng là khá bình thường. Với bóng đá Việt Nam, khoảng thời gian nghỉ giữa 2 mùa quá nhiều, chủ yếu để tập trung đội tuyển quốc gia trong khi các CLB vẫn phải trả lương và có nhu cầu thi đấu tập huấn rất cao. Số lượng trận đấu của các CLB V-League hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 30 trận/mùa. Thế nên, sau khi đã thay đổi thể thức thi đấu của Cúp Quốc gia để thêm 1-2 trận đấu nữa thì có lẽ, việc nâng cấp BTV Cup là giải pháp đáng để quan tâm bởi về cơ bản, chỉ phát triển trên nền tảng có sẵn, khá nhiều thuận lợi.

Một vấn đề khác: tổ chức một giải đấu phụ có yếu tố tiền thưởng cao là cách để VPF thử nghiệm về mô hình V-League không xuống hạng chuyên dành cho các CLB chuyên nghiệp, có tiềm lực thật sự. Đã đến lúc, ngoài chuyện vô địch quốc gia, các CLB cần thêm những động lực mang tính vật chất nhằm duy trì khát vọng. Một giải đấu ngắn ngày, có tính tập trung dù sao cũng dễ thu hút tài trợ hoặc cũng có thể dùng giải đấu này để nâng thêm quyền lợi cho nhà tài trợ V-League chẳng hạn. Trong bối cảnh mà V-League có quá nhiều trận đấu thiếu động lực thì việc thử nghiệm một giải đấu mà mỗi trận đều có tính đua tranh cao cũng là cách để kiểm tra tham vọng làm bóng đá của các CLB.

3. Chất lượng V-League không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai. Cách nhanh nhất để cải thiện tình hình đó là đưa ra các thay đổi về thể thức thi đấu, như kiểu VPF đã làm với Cúp Quốc gia. Chính vì thế, việc nghiên cứu một “Super Cup” dành cho các đội thứ hạng cao ở V-League cũng là cách để hướng bóng đá Việt Nam đến việc thi đấu chuyên nghiệp thực chất hơn. Chưa kể, đây cũng là một phương án để duy trì phong độ cho các tuyển thủ quốc gia khi mà SEA Games hay AFF Cup đều diễn ra vào cuối năm.

Hồ Việt

Cơ hội thay đổi

Cú sốc từ trận thua Thái Lan ở Mỹ Đình, sự ra đời của Asean Super League, “Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá cho Tổng cục TDTT tổ chức và sắp đến là đại hội thường niên VFF…đã đặt bóng đá Việt Nam vào một cơ hội để thay đổi một cách toàn diện. Tuy nhiên, cơ hội thì có nhưng có mạnh dạn đổi thay hay không lại là chuyện khác.

Rõ ràng, nền tảng của nền bóng đá chính là hệ thống CLB chuyên nghiệp. Đào tạo trẻ ra sao, chất lượng V-League đi về đâu, thì cứ nhìn các CLB sẽ biết ngay. Chính vì thế, muốn cải tổ cái gì thì cứ siết chặt các qui định liên quan đến các CLB là xong. Ví dụ, hệ thống tuyến trẻ: bắt buộc phải có; tiền trong tài khoản: phải có; chất lượng cơ sở vật chất: phải đáp ứng.

Tất nhiên, nếu siết chặt các qui định thì con số gần 20 CLB từ hạng Nhất đến V-League hiện nay sẽ “rơi rụng” khá nhiều nhưng đó là hệ quả tất yếu, là cái giá phải trả cho một quá trình phát triển thiếu định hướng của bóng đá Việt Nam. Không có các CLB mạnh thì sẽ không có V-League mạnh và hậu quả là các đội tuyển quốc gia sẽ kém chất lượng.

Để mạnh tay với các CLB, đó là công việc của Công ty VPF chứ không phải là VFF. Chính vì thế, đây là cơ hội để VPF tách ra hoàn toàn độc lập. VFF chỉ còn là nơi cấp phép thành lập CLB nhưng các tiêu chuẩn để dự V-League hay hạng Nhất phải do VPF quyết định. Đã đến lúc, cái tinh thần “còn bao nhiêu, đá bấy nhiêu” của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nên áp dụng triệt để và đó là yếu tố duy nhất mà VFF có thể can thiệp vào công việc của VPF.

Cứ lấy ví dụ của Đồng Tháp sẽ biết: Từ chỗ chuẩn bị giải thể dẫn đến chuyện thành lập công ty mới và trụ hạng an toàn. Như vậy, đâu phải mất mát nào cũng mang tính bi kịch. Trong khi “vớt” Đồng Nai lên hạng làm gì để rồi sau 3 năm làng cầu này gần như “tan hoang”.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục