Cần hiến kế hơn phê phán

V- League bước vào những vòng đấu cuối là lại có đủ thứ thông tin về chuyện “đi đêm”, ân tình nhường điểm nhau. Tình trạng này không chỉ ở mùa này mà dường như đã có từ khi V-League ra đời. Tuy nhiên, dư luận cũng chỉ dừng lại ở nghi ngờ, đồn đoán, chưa có một kết luận nào chính xác về những nghi ngờ ấy. Đâm ra, không chỉ khán giả thất vọng rồi quay lưng mà các đội bóng cũng chán nản, không còn thiết tha cống hiến bởi dư luận như một gánh nặng đổ lên đầu từng cầu thủ.

Trận thua mới nhất với tỷ số 1-3 trên sân Pleiku trước HAGL đang đứng chót bảng khiến SLNA bị đưa “lên thớt”. Ở trận lượt đi, SLNA thắng nhẹ nhàng 2-0 và cho thấy trình độ hai đội có sự chênh nhau khá rõ. Vậy nhưng lượt về, SLNA tỏ ra yếu cơ, cầu thủ đá không nhiệt tình và kết quả trận đấu gây nghi ngờ rất lớn. Lãnh đạo đội bóng cho rằng đội của ông có tính “thương người”, thấy đội yếu, đội vào đường cùng là đá không quyết liệt. Theo ông, điều này là không hay, dễ gây hiểu nhầm, nhưng đó là bản tính nên khó khắc phục được.

Cùng ở vòng 22 này, XSKT Cần Thơ thắng ĐTLA 2-1 ngay trên sân khách cũng được dư luận đẩy lên thành câu chuyện “họ hàng” chia sẻ nhau. XSKT Cần Thơ, Đồng Nai và HAGL là 3 đội chót bảng xếp hạng nên mỗi trận thắng của các đội này có thể giúp họ thoát khỏi nguy cơ xuống hạng. Vì vậy, trong khi Đồng Nai thua B.Bình Dương thì dư luận coi như bình thường thì trận thắng của XSKT Cần Thơ và HAGL như đã nói trên liền bị soi ngay. Soi là soi, nhưng chưa có một chứng cứ thuyết phục nào được đưa ra, nên câu chuyện như một “án treo” đối với các đội bóng.

Rất nhiều nguồn tin đặt vấn đề về sự yếu kém của ban tổ chức giải, nhất là bộ phận giám sát trận đấu đã không mạnh dạn vạch mặt tiêu cực, để mọi thứ trôi theo thời gian. Nhưng ngần ấy thông tin cũng chỉ dừng lại ở chuyện đặt vấn đề mà không đưa ra một chứng cứ thuyết phục nào để ban tổ chức có cơ sở từ đó mà lần theo tiêu cực. Chưa bàn đến chuyện ban tổ chức thiếu quyết liệt, mọi hành vi được xem là tiêu cực bị xử lý theo quy chế đều phải rõ ràng, ít nhất cũng không gây ức chế cho đối tượng bị xử lý. Có lẽ, đây là vấn đề khó khăn nhất nên đôi khi có tiêu cực thật nhưng hành vi tiêu cực ấy được thực hiện quá tinh vi thì ban tổ chức cũng đành bó tay.

Nghi vấn “bắt tay” nhau vào các vòng cuối V-League luôn là ám ảnh đối với cả người hâm mộ và các đội bóng. Vì vậy, trong khi VFF, VPF, rồi ban tổ chức giải còn lúng túng, chưa biết làm gì thì rất cần có những giải pháp được hiến kế với tinh thần xây dựng thật sự. Ở các nền bóng đá phát triển, các giải nhà nghề của họ đều không tránh khỏi mua bán điểm, nhưng điều quan trọng là họ có chế tài chặt chẽ và xử phạt rất nặng nếu phát hiện tiêu cực. V-League chưa mang tính nhà nghề đúng nghĩa nên cách hành xử cũng chỉ dừng lại ở trình độ bán chuyên nghiệp. Mong rằng dưới góc nhìn đó, ngày càng có nhiều giải pháp củng cố, ổn định, cải cách và phát triển giải đấu một cách chuyên nghiệp được đưa ra chứ không phải là những phê phán một chiều nữa.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục