Cái giá của thể thao chuyên nghiệp

Câu chuyện kỳ thủ Lê Quang Liêm đoạt ngôi á quân giải cờ vua triệu phú tại Mỹ, nhận số tiền thưởng quy ra tiền Việt hơn 1 tỷ đồng đã khiến dư luận trầm trồ, thán phục về sự “giàu có” của môn chơi trí tuệ cũng như “năng lực kiếm tiền” của kỳ thủ số 1 Việt Nam.

Thật ra, tiền thưởng chỉ là cái đến sau. Với ngôi á quân, Lê Quang Liêm đã có thêm điểm số để nâng hệ số Elo lên 2.716, chính thức trở lại hàng ngũ những siêu đại kiện tướng thế giới (đẳng cấp cao nhất của cờ vua). Điều này đồng nghĩa anh sẽ có quyền dự, hoặc được mời tham gia những giải đấu hàng đầu thế giới với tiền thưởng rất giá trị. Nói nôm na là với ngôi á quân vừa qua, Lê Quang Liêm “được ăn, được nói và được cả gói mang về”.

Đấy chính là thể thao chuyên nghiệp, nơi mà trình độ làm nên đẳng cấp và đẳng cấp tạo ra thu nhập đủ để VĐV theo đuổi sự nghiệp đến suốt đời. Nghe thì thật đơn giản nhưng muốn trở thành một VĐV chuyên nghiệp thì phải tự mình nâng cao trình độ hàng ngày, hàng giờ để có thể vươn đến một đẳng cấp nào đó mà kiếm ra tiền.

Thể thao Việt Nam có rất ít trường hợp như Lê Quang Liêm dù có lẽ, chúng ta không thiếu những nhà vô địch thế giới hoặc có huy chương ở những sự kiện đỉnh cao quốc tế. Đây chính là một nghịch lý nhưng lại chưa từng được các nhà quản lý thể thao Việt Nam mổ xẻ, phân tích một cách rõ ràng.

Nói đâu xa, cái chất nghiệp dư của thể thao Việt Nam nằm ngay khâu bảo hiểm cho các VĐV. Những nhà quản lý thờ ơ là một chuyện nhưng chính các VĐV của chúng ta cũng không hề quan tâm đến yếu tố mà chính họ lại cần hơn ai hết. Muốn làm một VĐV chuyên nghiệp thì đầu tiên phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình. Làm sao có thể theo đuổi sự nghiệp thi đấu đỉnh cao lâu dài khi gặp chấn thương lại không thể chữa trị cho dứt điểm, phải đối diện với nguy cơ giải nghệ sớm chỉ vì… quên không mua hoặc không đòi hỏi quyền lợi được bảo hiểm. Thật khó tin khi ở thể thao Việt Nam, các VĐV quanh năm tập luyện, có thu nhập đến từ việc thi đấu để trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình nhưng khi bị chấn thương lại phụ thuộc vào sự hỗ trợ của giới truyền thông mới có những nguồn tiền từ xã hội giúp đỡ. Trong khi đó, với các VĐV chuyên nghiệp như Lê Quang Liêm (cờ vua), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lý Hoàng Nam (quần vợt)…mỗi năm phải di chuyển hàng ngàn cây số, thi đấu hàng chục giải, đối diện với nhiều rủi ro về sức khỏe. Nếu không tự bảo vệ mình thì chính họ là người chịu thiệt hại đầu tiên khi không thể thi đấu, cải thiện thành tích và kiếm tiền thưởng. Đấy chính là cái giá của thể thao chuyên nghiệp.

Để VĐV có ý thức tốt hơn về nghề nghiệp đương nhiên cần có sự giúp đỡ của các nhà quản lý. Tư duy của họ phải thay đổi, phải xóa dần bao cấp trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng tạo ra những giải đấu có tính chất chuyên nghiệp với mức tiền thưởng cao, có chất lượng chuyên môn tốt để qua đó khuyến khích các VĐV phấn đấu nhiều hơn trong nghề nghiệp. Chỉ có như vậy mới giúp VĐV ý thức cao hơn về sức khỏe của mình và giúp thể thao nước nhà không mất đi những tài năng chỉ vì những chấn thương “lãng xẹt” hoặc giải nghệ vì thiếu tiền chữa trị.

Câu chuyện của bóng đá Việt Nam và sự tụt hậu so với bóng đá Thái Lan cũng xuất phát từ tính nghiệp dư. Khi cầu thủ Thái chơi bóng khôn ngoan, luôn có thể tránh được những cú vào bóng thô bạo để triển khai các pha phối hợp nhẹ nhàng, đơn giản và giành chiến thắng thì cầu thủ Việt chỉ có thể lực để thi đấu tốt trong 60 phút, chỉ có thể ngăn cản đối thủ bằng một pha phạm lỗi thô thiển. Đấy là hệ quả của một V-League kém về chất, yếu về tài chính, tràn ngập bạo lực với vô số trận đấu không có mục đích rõ ràng và hoàn toàn không đem lại tiền.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục