Tạo nguồn kinh phí kém, hoạt động yếu
Báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trong cuộc làm việc về tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội thể thao quốc gia, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - ông Trần Đức Phấn cho biết trên nguyên tắc hoạt động, tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao là tự nguyện và tự chủ kinh phí, tài sản, nhân sự trong hoạt động. Thực tế, một số ít trong 39 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao do Bộ VH-TT-DL quản lý như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, golf, cầu lông, quần vợt đang tự chủ được tài chính. Số đông những Liên đoàn, Hiệp hội đều nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Đa số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chưa bộ máy văn phòng chuyên trách, chưa đảm bảo tự chủ về tài chính, Tổng thư ký của các Hội đa số là cán bộ của Tổng cục TDTT hoạt động kiêm nhiệm, vai trò quản lý của một số Liên đoàn chưa thật sự rõ nét", ý kiến phân tích của lãnh đạo Tổng cục TDTT tại cuộc làm việc. Hiện tại, giải đấu của nhóm môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, golf, cầu lông, quần vợt đã có nguồn xã hội hóa mạnh mẽ bằng tài trợ nhiều tỉ đồng nên Liên đoàn đủ tài chính chi trả công tác tổ chức, giải thưởng và nâng cao chuyên môn tìm cách thu hút người xem. Tuy nhiên, so với tổng 39 Liên đoàn, Hiệp hội thì đó là con số quá nhỏ. Nhiều Liên đoàn không thể tìm được nguồn xã hội hóa lâu dài đành phải cầm chừng ở mức duy trì, khó phát triển mạnh.
Bóng chuyền và bóng đá là nhóm môn thể thao có giải quốc tế thường xuyên tại Việt Nam thay vì chỉ diễn ra các giải thi đấu quốc nội. Bóng đá là môn thể thao duy nhất thành lập công ty (VPF) thay Liên đoàn đứng ra tổ chức giải đấu. Các môn còn lại theo đặc thù của mình vẫn phải do Liên đoàn, Hiệp hội đứng ra tổ chức thi đấu đồng thời phải tìm khán giả thay vì khán giả tìm tới thể thao.
Khó trong cách quản lý
Cần xác định thực trạng để phân nhóm các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao qua đó tự đề xuất khó khăn để tìm hỗ trợ cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp thể thao phải năng động tăng cường hoạt động phát huy vai trò xã hội hóa, đó là một trong những ý kiến đề xuất về giải pháp nâng cao hiệu quả cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế, việc tách hoàn toàn Tổng cục TDTT với Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong mọi công tác hoạt động để không bị chồng chéo là rất khó. Lãnh đạo Vụ thể thao thành tích cao 1 - Tổng cục TDTT nhìn nhận: "Yếu tố xã hội hóa chưa tốt nên các Liên đoàn chưa thể độc lập hoàn toàn với các tổ chức quản lý nhà nước. Một số Liên đoàn lại phụ thuộc ở sự hiệu quả của doanh nghiệp hay không và không bền vững. Sự khó về kinh phí làm nhiều Liên đoàn, Hiệp hội không thể tham gia các cuộc họp quốc tế của môn thể thao của mình cũng như không có đại diện trong ban chấp hành, vai trò trên quốc tế không cao".
Việc lập Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cho có là thực tế tồn tại. Hoạt động chỉ mang tính hình thức khiến việc thành viên ban chấp hành thường xuyên vắng mặt không tham gia họ đóng góp ý kiến và thực chất ban chấp hành vài chục người nhưng người làm việc cụ thể đếm trên đầu ngón tay đang diễn ra. Chưa kể, Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ việc kết nạp hội viên.