Có bao nhiêu cầu thủ V-League chơi cá độ? Có người đoán rằng hầu hết, cũng có người không khẳng định nhưng tin con số này không ít. Thực tế số lượng cầu thủ V.Ninh Bình có liên quan đến nghi vấn cá độ bóng đá chưa đến nửa đội bóng, nhưng họ đều là những cầu thủ đá chính, thậm chí đều là trụ cột, đã và đang là cầu thủ nằm trong đội tuyển U.23… Đây là những cầu thủ ít nhiều thành danh ở cấp độ CLB và đội tuyển, có thu nhập thuộc hàng cao nhất đội và được nhiều ưu đãi hơn các cầu thủ khác. Vậy có phải họ thiếu tiền mà bán rẻ sự nghiệp của mình?
Nếu như giai đoạn cách nay chừng 5 năm, cầu thủ chớm thành công đã được giới môi giới đẩy lên thành siêu sao thì thu nhập của họ cao ngất ngưởng. Một siêu sao được chuyển nhượng ở V-League lúc đó nghiễm nhiên nhận tiền lót tay bạc tỷ. Họ xuất hiện trên báo chí không chỉ bằng những hình ảnh trên sân bóng, mà đi kèm là những chiếc siêu xe hay cạnh các diễn viên, người mẫu trong giới showbiz. Thời hoàng kim chóng vánh đi qua, giá trị cầu thủ trở về bản chất thực, không còn những phi vụ chuyển nhượng đình đám mà thay vào đó là những bản hợp đồng bình thường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, thu nhập cầu thủ V-League vẫn được xếp hạng cao. Cầu thủ đá chính, trụ cột mỗi tháng không ít hơn 30 triệu đồng tiền lương, chưa kể các khoản thưởng nóng cho từng trận đấu. Nếu tính mặt bằng chung, đây là mức thu nhập cao và có thể tích lũy. Vì vậy, dù không còn được gắn mác siêu sao, nhưng cầu thủ bây giờ vẫn gắn với các cuộc ăn chơi đắt tiền. Những ngày không có trận đấu, người ta thường thấy nhiều cầu thủ xuất hiện ở các quán bar sang trọng với nhiều cách chơi thời thượng. Chung quy lại, cầu thủ V-League vẫn có tiền rủng rỉnh cho những cuộc vui.
Hình ảnh đó vẫn hay xuất hiện với các cầu thủ nổi tiếng thế giới, ở các giải bóng đá châu Âu. Vẫn có những vụ scandal ăn chơi của họ và hẳn nhiên cũng có những vụ dàn xếp tỷ số giữa các đội, thậm chí có liên quan đến cả quan chức và trọng tài. Tuy nhiên, gần như rất hiếm có trường hợp cầu thủ dám cá cược ở chính trận đấu của mình tham gia bởi đây là điều tối kỵ. Cuộc đời một cầu thủ chuyên nghiệp không dài, quá trình rèn luyện để có thể góp mặt trong CLB, có trong đội hình chính và trở nên nổi tiếng phải đổi bằng khổ luyện và giữ gìn trong thi đấu và giao tiếp. Vì vậy, các cầu thủ quốc tế luôn biết giữ giới hạn và không dám đánh đổi sự nghiệp bằng những điều cấm kỵ.
Có lẽ, không nhiều cầu thủ V-League ý thức được điều đó, cộng với việc trui rèn chưa đến nơi đến chốn, có những lỗ hổng về nhận thức nên dễ dàng “nhúng chàm”. Khi vụ việc đổ bể, không ít cầu thủ cho rằng do bị lôi kéo và không nhận thức được mức độ vi phạm. Nói vậy cũng là một cách để lẩn tránh, bởi những tấm gương cầu thủ đã từng bị pháp luật xử lý vì mua bán độ của bóng đá Việt Nam vẫn còn đó. Đặc biệt trong đội hình V.Ninh Bình đang có Văn Quyến, một “nhân chứng” của vụ án từ Bacolod năm 2005 khiến anh phải trả giá đắt cho sự nghiệp của mình. Vì vậy, tìm một lý do nào khác hơn thật khó ngoài việc đạo đức cầu thủ đã gần như không còn được chú ý trong thời gian qua mới dẫn đến hậu quả hôm nay.
PHƯƠNG NAM