Bóng đá phủi và tinh thần kết nối

Ở TPHCM sắp diễn ra giải bóng đá Thanh Hóa khu vực miền Nam với sự tham gia của những người con xứ Thanh xa quê. Họ sẽ thi đấu theo nguyên quán của mình dù đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.

Đây đã là năm thứ 11 giải đấu của Hội đồng hương Thanh Hóa được tổ chức, xuất phát từ phong trào của các sinh viên xứ Thanh hơn 10 năm trước. Lần này, có sự bảo trợ từ chính CLB Thanh Hóa, đội bóng đang chơi rất tốt tại V-League.

Bóng đá phong trào, hay được gọi là bóng đá phủi, sau khi có thêm sân 5, sân 7 trên mặt cỏ nhân tạo, vốn phát triển rất mạnh tại Việt Nam từ trước đến nay. Không phải tự nhiên mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giải phủi đang được tổ chức mỗi năm. Xét ở quy mô “phủi chuyên nghiệp”, cũng đã có hơn 200 CLB hoạt động bài bản, có truyền thống và tổ chức theo mô hình một CLB hoàn chỉnh. Con số này có lẽ còn lớn hơn cả các CLB chính thức tại Việt Nam, thậm chí đã có những đánh giá cho rằng giải vô địch phủi toàn quốc HPL có trình độ tổ chức không kém gì so với V-League.

Vấn đề là bóng đá phủi vẫn là… bóng đá phủi. Bóng đá để rèn luyện sức khỏe và giải trí vẫn khác với bóng đá chuyên nghiệp cho dù mức độ chấn thương, tốn kém, kỹ năng chơi bóng có thể ngang bằng. Trước đây, cũng có một vài cầu thủ đá phong trào đã phát triển thành chuyên nghiệp, thậm chí vào đến đội tuyển quốc gia, như Giang Thành Thông, Nguyễn Ngọc Thanh, Nghiêm Xuân Tú… nhưng đó là sân có 11 người, chứ với sân 5, sân 7 cỏ nhân tạo thì lộ trình này khó có thể tái lập.

Thật ra, giá trị của bóng đá phủi không phải là cung cấp nhân tài, mà là sự kết nối. Không phải tự nhiên mà Giám đốc điều hành CLB Thanh Hóa bay vào TPHCM để chúc mừng, chuyển tiền tài trợ cho giải bóng đá Thanh Hóa khu vực phía Nam. Sự phát triển của bóng đá phủi ở một quy mô nào đó, chính là sự kết nối của hàng ngàn, hàng chục ngàn CĐV đến với đội bóng quê hương. Một địa phương có nhiều sân chơi phủi, nhiều cầu thủ phủi, thì bầu không khí bóng đá sẽ lan tỏa và chuyện họ đến sân bóng xem CLB chuyên nghiệp thi đấu sẽ tự nhiên xuất hiện.

Nói cách khác, bóng đá phong trào, hay phủi lớn mạnh thì chưa chắc đã giúp cho nền bóng đá địa phương, quốc gia phát triển. Nhưng chắc chắn số lượng người chơi, hiểu biết, đam mê bóng đá sẽ tăng. Tính chuyên nghiệp của cầu thủ phủi, giải phủi càng cao, càng đồng thời thúc đẩy các cầu thủ chuyên nghiệp ý thức nhiều hơn với nghề nghiệp của mình chứ không để bị xem là “kém hơn cả… phủi”.

Một góc độ khác, bóng đá phủi hiện tận dụng tốt các nền tảng truyền thông mạng xã hội. Họ tạo ra một hệ không gian bóng đá mới mẻ và không giới hạn, nếu các CLB chuyên nghiệp tìm cách kết nối thì đó là một hướng đi có thể giải quyết bài toán tài chính “lấy bóng đá nuôi bóng đá” hiện nay. Chưa kể, qua bóng đá phủi, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến tài trợ bóng đá hơn, tạo lập thói quen đóng góp xã hội rất đáng kể, và điều này có lợi cho bóng đá chuyên nghiệp.

Tất nhiên, điểm mấu chốt vẫn là sự chủ động của những người làm bóng đá chính quy. Có kết nối được hay không - đó mới là vấn đề, chứ bóng đá phủi vẫn đang… sống khỏe.

Tin cùng chuyên mục