Bóng đá phủi cần một hướng phát triển bền vững: Sinh động phong trào bóng đá phủi

LTS: Bóng đá phong trào, nôm na gọi là phủi, có xu hướng phát triển rất mạnh, tạo nên bầu không khí sôi nổi khắp dải đất hình chữ S, vừa góp phần làm sinh động làng bóng đá Việt Nam, vừa thể hiện tình yêu của đông đảo người dân đối với môn thể thao Vua. Từ đó, phong trào vận động toàn dân rèn luyện thân thể của Đảng và Nhà nước cũng nở rộ.

Các cầu thủ đá phủi tranh tài tại giải chào xuân ở Triều Khúc (Hà Nội), giải đấu có tuổi đời 80 năm. Ảnh: HỮU THÀNH
Các cầu thủ đá phủi tranh tài tại giải chào xuân ở Triều Khúc (Hà Nội), giải đấu có tuổi đời 80 năm. Ảnh: HỮU THÀNH

Không khó để nhận ra, từ nông thôn đến thành thị, bóng đá phủi trong vòng 10 năm trở lại đây trở nên phổ biến và được xem như một sự lựa chọn phù hợp để rèn luyện, tăng cường sức khỏe. Hàng loạt giải đấu ra đời góp phần tạo đà cho sự lan tỏa của môn chơi này.

Giải đấu hơn 80 năm tuổi

Các giải bóng đá phong trào ở đâu cũng có, nhiều đếm không xuể, với mục tiêu và quy mô tổ chức khác nhau. Song để thật sự gây chú ý cho giới điệu mộ thì các sân chơi hội làng tại miền Bắc là điểm nhấn đáng quý. Trong số này, giải chào xuân ở Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là nét rất riêng khi đã có tuổi đời hơn 80 năm và tổ chức trên sân bóng của làng được hình thành từ hơn một thế kỷ trước.

Giải của dân Triều Khúc nổi tiếng đá trên mặt sân “đất cày lên sỏi đá”, có lúc cầu thủ phải “hít” bụi bay mù mịt, lúc thì trở thành bùn lầy sau những trận mưa xuân song chất lượng các trận đấu lúc nào cũng hấp dẫn và quyết liệt.

Cầu thủ trong làng đều ra sân với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, nén đau với những vết thương chằng chịt, rướm cả máu chỉ để bảo vệ màu cờ sắc áo của xóm, không nhân nhượng dù phía bên kia là đối thủ có quan hệ họ hàng...

Người chơi văn minh còn người xem thì cuồng nhiệt. Họ lèn kín mọi ngóc ngách trên sân, chỗ nào trống là tấp vào. Hàng dài cổ động viên kéo ra sát vạch biên, tạo ra áp lực không nhỏ cho cầu thủ và nếu ai không quen sẽ ngột ngạt vô cùng.

Hòa cùng tiếng trống, tiếng kèn, họ cùng nhau hét hò, cổ vũ cho đội nhà, bình luận như chuyên gia, ai cũng có thể trở thành HLV. Giải bóng đá đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe và tránh xa các tệ nạn xã hội của người Triều Khúc.

Các giải hội làng ở miền Bắc không chỉ lâu đời mà còn lôi cuốn đến nỗi hàng năm, các giải này luôn thu hút rất nhiều ngôi sao “phủi” từ cả miền Nam, miền Trung xuôi ngược ra Bắc để tranh tài.

Những trận bóng ở Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) là một lát cắt như thế. Còn với người địa phương, họ xem sân chơi là một nét đẹp truyền thống và được các thế hệ đời sau nối tiếp nhau giữ gìn, phát huy. Đồng thời trở thành cơ hội để lan tỏa hình ảnh con người, quảng bá du lịch của quê hương.

Các giải phong trào được chuyên nghiệp hóa

Không chỉ để thỏa mãn đam mê trái bóng tròn, rèn luyện sức khỏe thuần túy, bóng đá phong trào hiện nay cũng dần được chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa. Trong đó, khâu vận hành và tổ chức của rất nhiều giải đấu phong trào không hề khác sân chơi chuyên nghiệp, từ việc đầu tư công tác truyền thông đến kêu gọi nhà tài trợ, đến cả sự hỗ trợ và đồng hành từ các sở - ban - ngành và đơn vị chuyên môn của nhà nước.

Tiêu biểu trên cả nước có hệ thống các Giải bóng đá 7 người của VietFootball quản lý và tổ chức hệ giải: VSC, HPL, SPL.., Giải Futsal vô địch TPHCM (do Liên đoàn Bóng đá TPHCM tổ chức), hệ thống các giải Futsal phong trào FI - một thành viên thuộc Liên đoàn Bóng đá TPHCM đứng ra điều hành.

Điều này kéo theo các CLB cũng được chuyên nghiệp hóa, hướng đến xây dựng hình ảnh, bản sắc lẫn bảo vệ “đôi chân” của cầu thủ. Ở TPHCM có Nghiêm Phạm Holdings là CLB tiên phong ký hợp đồng đầy đủ lương, thưởng, bảo hiểm...

Nhiều hình mẫu của một đội bóng chuyên nghiệp xuất hiện trải rộng khắp ba miền như EOC (miền Bắc), Hiếu Hoa - Quahaco (miền Trung); An Biên, Phú Đức Trí (miền Nam)...

Thông qua các giải đấu phong trào là dịp tuyển quân cho các CLB chuyên nghiệp, đào tạo trẻ. Trường hợp tiêu biểu nhất chính là cầu thủ Xuân Nghiêm Tú xuất thân từ sân chơi HPL, hay các giải Futsal FI là nơi tuyển quân cho CLB futsal Thái Sơn Nam TPHCM. Nhiều HLV như Phạm Minh Giang, Trương Quốc Tuấn... đã đến giải sân phong trào để “đãi cát tìm vàng” cho Futsal Việt Nam.

Nở rộ phong trào bóng đá sinh viên

Tháng 3-2024, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức thành công Giải bóng đá Thanh niên Sinh viên Việt Nam.

Dù chỉ mới bước sang năm thứ 2 song đây là sân chơi được giới chuyên môn lẫn người mộ điệu đánh giá có sức hút bậc nhất trong các sự kiện về thể thao học đường khi quy tụ 64 đội bóng đại diện cho các trường đại học, học viện và cao đẳng trên toàn quốc tham gia tranh tài trong vòng 3 tháng.

Giải bóng đá Thanh niên Sinh viên Việt Nam là lát cắt để minh chứng cho bóng đá sinh viên đang phát triển nở rộ trong những năm gần đây với những sân chơi từ địa hạt sân 5, sân 7 và sân 11 diễn ra tiếp nối nhau. Quan trọng hơn, các giải đấu được tổ chức chuyên nghiệp và đặt dưới sự quản lý của VFF, Bộ GD-ĐT, các đơn vị cấp sở, ban, ngành ở địa phương.

Đây là tín hiệu đáng mừng với thể thao sinh viên bởi đây là đối tượng tri thức, là những chủ nhân tương lai của đất nước. Các bạn học sinh, sinh viên tham gia các giải đấu để rèn luyện sức khỏe, tìm kiếm niềm vui sau những giờ học căng thẳng, được giao lưu, học hỏi và nâng cao tinh thần đoàn kết.

“Bóng đá phong trào rất gần gũi với sinh viên. Các bạn có thể tiếp cận các công việc như đá bóng, làm HLV bóng đá phong trào, tổ chức các giải đấu phong trào, trọng tài phong trào... Từ những trải nghiệm như vậy sẽ hỗ trợ cho sinh viên đi thực tập, làm đồ án tốt nghiệp. Chưa kể đây là môi trường đầy tiềm năng để họ kiếm thêm thu nhập trang trải việc học, có cơ hội việc làm sau khi ra trường”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoàng Phúc, Trường Đại học TDTT TPHCM, chia sẻ.

Sân chơi phong trào còn là nơi để các cầu thủ đã giải nghệ tiếp tục với niềm đam mê trái bóng tròn. Nhớ lại quãng thời gian “dầm mưa dãi nắng” ở các sân “phủi”, cầu thủ thuộc biên chế Becamex Bình Dương Lê Quang Hùng hạnh phúc khi được các ông bầu và đồng nghiệp dang rộng cánh tay chào đón như gia đình trong một nhà. “Được duy trì nền tảng thể lực, cảm giác bóng, đồng thời kiếm thêm thu nhập để nuôi sống gia đình, đó sẽ là mãi kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi biết ơn mọi người đã giúp đỡ trong thời tôi thi hành án kỷ luật của VFF. Khi giải nghệ tôi vẫn tiếp tục đồng hành và chung tay phát triển phong trào”, cầu thủ Lê Quang Hùng trải lòng.

Tin cùng chuyên mục