Bóng đá nội lực

Kết quả mỹ mãn của Euro 2012 khiến đa số đều đồng tình đây là một Euro thành công. Đó là sự thành công của khâu tổ chức, của lượng khán giả đến sân cho đến cách điều hành của trọng tài và đáng nhớ nhất là bóng đá đẹp lên ngôi.

Thế giới đều thừa nhận Tây Ban Nha lên ngôi là xứng đáng, bởi những gì họ đã thể hiện từ vòng đấu bảng cho đến bán kết, mà đỉnh điểm là trận chung kết. Rất nhiều người muốn lý giải tận tường về trận chung kết này bởi những kỷ lục mà nó mang lại. Nhưng có lẽ, không có lời lẽ hay cách lý giải nào thuyết phục hơn rằng: đó là bóng đá đích thực.

Kiểu đá bóng máy móc, khô khan của Hy Lạp không tạo nên sự bất ngờ nào ở mùa này. Người ta thất vọng khi cổ vũ cho tuyển Nga, bởi họ thủ đắc khá nhiều yếu tố có thể đem lại chiến thắng. Khán giả cũng đinh ninh tuyển Đức, với sức trẻ và lối đá thoáng đẹp hơn trước rất nhiều, có thể là một trong hai đội dự trận chung kết, nhưng điều đó đã không xảy ra. Một tuyển Italia với vị HLV được xem là lão luyện, mang đến những trận đấu đỉnh cao lại sụp đổ ngay hiệp 1 của trận chung kết.

Và, một Bồ Đào Nha tưởng đã làm nên chuyện khi từ bỏ lối đá hào hoa Nam Mỹ, vốn hút hồn người xem để nghe theo lời “mách nước” của ngài Mourinho, mà áp dụng kiểu chơi xe buýt 3 tầng như Chelsea trước đây… Tất cả đều phải ngã mũ trước lối đá truyền thống, mê hoặc và thượng võ của Tây Ban Nha.

Lâu nay, các nhà bình luận hay dùng cụm từ “chiến đấu đến hơi sức cuối cùng” để diễn tả quyết tâm, khát khao chiến thắng của một cầu thủ hay đội tuyển nào đó. Riêng với Tây Ban Nha, họ chơi bóng như đang biểu diễn cho một môn nghệ thuật. Họ không tuyên bố về sức mạnh của mình; họ không tự hào về tư cách siêu sao dù họ có quá nhiều ngôi sao; họ không giấu giếm lối đá hay mờ ám chiến thuật; và họ không lao lên tìm chiến thắng bằng mọi giá. Thứ bóng đá mà họ mang lại rất nhẹ nhàng và dễ đi vào lòng người, nó là thể hiện của triết lý bóng đá: thắng bằng sức mạnh nội lực.

Trở về với bóng đá Việt Nam, ngay trong những ngày Euro diễn ra, sự thất bại của đội tuyển U22 lại khiến cho người hâm mộ thất vọng. So với đội bóng vô địch ở giải đấu tầm cỡ thế giới thì khập khiễng, nhưng cố tình quên sự thất bại này sẽ khiến cho bóng đá Việt Nam khó có hướng ra. Quá nhiều lý giải về sự đi xuống của bóng đá Việt Nam, mà kết quả mới nhất của tuyển U22 là minh chứng cho sự đi xuống ấy, thế nhưng những người có trách nhiệm vẫn luôn né tránh một cái nhìn xác thực về thực trạng này.

Khi nội lực không có thì dù có bao nhiêu tiền, thuê bao nhiêu HLV giỏi… cũng không thể vực dậy một nền bóng đá. Làm lại từ đầu, điều mà nhiều người từng đề cập, nhưng ít ai chịu làm. Nếu không xây được nền móng vững từ những lứa cầu thủ trẻ, một cơ chế quản lý bóng đá khoa học, hiệu quả thì sao có thể mong một ngày bóng đá Việt Nam vượt ra khỏi khu vực “ao làng” hiện nay.

Dương Ngữ Yên

Tin cùng chuyên mục