1. Ba lần cầm quân ở 3 đội tuyển khác nhau đá với Thái Lan, HLV Miura đều là kẻ bại trận. Trong đó, có 2 lần ông thua trực tiếp, 1 lần thua trợ lý của Kiatisak. Tất cả các trận thua ấy đều có cùng kịch bản: Dù sử dụng đội hình nào, cách tiếp cận trận đấu ra sao, kết quả thì chỉ có 1: Thái Lan sẽ thắng.
Và đáp án thì cũng chỉ có 1: HLV Miura không thua Kiatisak, các đội tuyển Việt Nam cũng không thua Thái Lan ở từng cá nhân, đấy là những thất bại đương nhiên giữa bóng đá Việt và bóng đá Thái, không thể thay đổi được.
Bao lâu nay, bóng đá Thái Lan luôn tỏ ra hơn hẳn Việt Nam và những đội bóng trong khu vực. Ảnh: Dũng Phương
Chính cái hơn hẳn của nền bóng đá khiến cầu thủ Thái dù có thể không hơn cầu thủ Việt về kỹ thuật nhưng vượt trội về năng lực thi đấu. Họ có thể tự quyết định khi nào chuyền bóng ngay, khi nào cần đi bóng thêm 2-3 nhịp nữa đợi đồng đội ở vị trí thuận lợi rồi mới chuyền. Tự họ có thể quyết định cần phải hạ nhịp độ thi đấu để giảm sự hưng phấn của đối phương và khi nào phải liên tục đưa bóng lên tấn công càng nhanh càng tốt khi đối thủ đang loạng choạng. Những tư duy thi đấu ấy chỉ có thể được tích lũy từ việc thi đấu tại giải nội địa. Không Kiatisak nào dạy cả, và cũng chẳng có HLV đội tuyển nào lại đi dạy điều đó trong thời gian tập trung ngắn ngủi cả.
2. Vậy nên, khi U.23 Việt Nam cầm cự một thời gian rồi cũng để thua U.23 Thái Lan, khi chúng ta chiếm hữu toàn bộ trận đấu bán kết trước Myanmar nhưng vẫn không thắng, khi chúng ta càng lúc càng ở xa so với người Thái, đó không phải là lỗi của ông Miura. Chúng ta có quyền hy vọng ông sẽ thu ngắn một chút cách biệt, giành chiến thắng trong một thời điểm may mắn nào đó trước người Thái, nhưng sự thật đó chỉ là hy vọng chứ có treo thưởng tiền tấn để Miura làm điều đó, ông cũng chẳng thể.
Hãy xem thử bao nhiêu cầu thủ của U.23 dù được đánh giá là giỏi giang sẽ được các CLB hàng đầu tại V-League quan tâm và tìm cách ký hợp đồng? Gần như không có ai. Hãy xem, đội vô địch V-League B. Bình Dương đóng góp bao nhiêu cầu thủ cho U.23? Không có ai. Đừng trách B. Bình Dương, đơn giản vì họ không có nhu cầu khi đã thâu tóm phần lớn các tuyển thủ quốc gia mất rồi, làm gì còn chỗ cho cầu thủ trẻ. Còn hỏi các CLB khác ư? Họ tốn tiền chuyển nhượng, trả phí bồi thường đào tạo cho cầu thủ U.23 làm gì khi chỉ cần đá để trụ hạng. Một nền bóng đá vận hành theo kiểu chỉ cần “tồn tại” thì làm gì có chuyện mua - bán cầu thủ, phát hiện tài năng để bồi dưỡng dần.
Vì thế, dù có là tài năng đến mấy thì các cầu thủ U.23 vẫn sẽ trở về CLB cũ, với một nhịp điệu trụ hạng buồn tẻ, thiếu tính cạnh tranh. Các cầu thủ đang chơi ở các đội bóng yếu không có cơ hội đến nơi mà họ có thể phát triển tài năng tốt hơn khi không ai có nhu cầu mua họ. Thậm chí, như lứa U.19 của HA.GL, giỏi thì giỏi đấy nhưng cứ cái đà này, biết đâu mùa tới họ xuống đá hạng Nhất thì sao?
Một nền bóng đá mà thị trường chuyển nhượng gần như không hoạt động, khát khao vô địch hầu như không tồn tại, mục đích thi đấu chỉ ở mức vừa phải thì lấy đâu ra chỗ để cầu thủ phát triển tài năng của mình.
Hồ Việt