Bóng đá không khán giả

Những trận bóng tại lượt về vòng chung kết bóng đá nữ quốc gia trên sân Thống Nhất vắng lặng đến nao lòng. Đông nhất khoảng hai trăm khán giả đến xem, nhưng phần lớn chỉ vài chục người, thậm chí trong số đó chỉ là người quen cầu thủ hoặc thành phần của hai đội lên ngồi dự khán. Trận đấu được xem là hấp dẫn của hai ứng cử viên vô địch là Phong Phú Hà Nam và TP Hồ Chí Minh cũng chỉ khoảng năm chục khán giả ủng hộ ngồi xem. Ống kính truyền hình gần như cho thấy bốn khán đài trống hoác. Trước đó, vào tháng 5-2016, lượt đi vòng chung kết diễn ra trên sân Hà Nam cũng chứng kiến thực tế không có gì khác hơn là sự vắng lặng trên khán đài.

Ban tổ chức giải đấu năm nay đã có những cải tiến nhằm đưa chất lượng ngày càng cao hơn. Số đội dự vòng chung kết được tăng lên 8, trong đó có gương mặt mới rất đáng xem là Sơn La. Sau hai lượt đi và về trên sân Hà Nam và TP Hồ Chí Minh, 4 đội tốt nhất sẽ thi đấu bán kết để chọn ra hai đội tranh chung kết. Thể thức thi đấu này giúp các đội thi đấu cố gắng hơn, vượt qua nhiều cửa ải hơn để tranh ngôi vô địch. Trong khi đó, chất lượng cầu thủ mùa này cũng khá hơn. Những trụ cột của đội tuyển nữ Việt Nam vẫn đang là nòng cốt ở các câu lạc bộ như Tuyết Dung, Minh Nguyệt, Huỳnh Như… với phong độ tốt. Thế nhưng, bỏ qua mọi sự cố gắng từ ban tổ chức đến các đội bóng, vẫn không có khán giả đến sân.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó bóng đá nữ vẫn chưa được sự quan tâm hỗ trợ thật sự từ nhiều phía để có thể phát triển tương xứng. Mùa giải năm nay được tài trợ chính bởi Thái Sơn Bắc, “người nhà” của Thái Sơn Nam đang đầu tư hỗ trợ rất mạnh cho bóng đá futsal cũng như các giải trẻ khác. Không ít ý kiến tỏ ra quan tâm, mong muốn hỗ trợ bóng đá nữ khi đội tuyển thi đấu thành công trong khu vực, luôn nằm trong tốp đầu Đông Nam Á, nhưng thực tế thì sự quan tâm ấy cũng chỉ dừng lại ở ý nghĩa động viên chứ chưa trở thành hiện thực. Chế độ lương bổng, thù lao, bồi dưỡng cho tuyển thủ nữ vẫn còn rất thấp; riêng cầu thủ thi đấu cho các câu lạc bộ phần lớn còn mang đậm tính phong trào, đến mùa giải thì tập trung tập và thi đấu, hết giải thì về nhà làm việc khác với không ít khó khăn. Cho nên, với cầu thủ nữ, thật sự đam mê là chính mới có thể giữ họ trên sân. Vậy mà, luôn phải thi đấu trên sân trống vắng khán giả là sự thiệt thòi nhân đôi với họ.

Khán giả trong nước cũng luôn ủng hộ đội tuyển nữ. Người hâm mộ luôn mong muốn bóng đá nữ phát triển tương xứng với tiềm năng, từng bước khẳng định vị trí của mình với các đội bóng khu vực châu Á. Thế nhưng không hiểu vì sao ở giải vô địch quốc gia, cũng với những tuyển thủ đó thi đấu, thì không một ai quan tâm đến xem. Thật khó để so sánh sự hấp dẫn giữa bóng đá nữ với bóng đá nam, nhưng nếu thật sự yêu mến thì người hâm mộ vẫn đến sân để cổ vũ tinh thần, động viên các cô gái. Đằng này, mọi thứ dường như ngược lại, sự kêu gọi bóng đá nữ phát triển không được thể hiện bởi một điều trước tiên và đơn giản nhất là đến sân. Ngồi lọt thỏm trong sự trống vắng của khán đài, HLV Mai Đức Chung chia sẻ ông quá chạnh lòng về điều này. “Bóng đá luôn cần khán giả, thi đấu trên sân không một ai xem thì cầu thủ rất khó hưng phấn để phát huy khả năng của mình”, ông bày tỏ.

Với bóng đá nữ hiện nay, rất cần sự quan tâm thật sự, từ các nhà tổ chức, nhà tài trợ cho đến khán giả. Sự quan tâm theo kiểu “phong trào” không những gây khó khăn mà còn có thể đẩy lùi sự phát triển của bóng đá nữ.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục