Bóng đá hay trò chơi?

Các ông bầu liên tục đưa ra thông điệp bỏ bóng đá; các quan chức đều đặn tuyên bố chấn chỉnh, siết kỷ cương, có bao nhiêu đá bấy nhiêu; người hâm mộ hoang mang không biết giải bóng đá chuyên nghiệp sẽ đi về đâu, hoãn hay tiếp tục… Đó là hoàn cảnh của bóng đá trong nước hiện nay. Để dẫn đến hoàn cảnh này, lỗi đương nhiên không phải người hâm mộ, càng không phải do chủ trương, cơ chế gây khó khăn cho bóng đá như một số nước, vậy thì chỉ còn lại hai “đối tác” là cơ quan điều hành và các đội bóng.

Thành quả có được hơn mười năm làm bóng đá theo hướng chuyên nghiệp không ít, nhưng hơn mười năm đó bóng đá Việt Nam cũng mất đi khá nhiều. Đó là những đội bóng biến mất mà nhắc đến ai cũng thấy bồi hồi nhớ lại thời hoàng kim như Công nghiệp Thực phẩm, Cảng Sài Gòn, Hải quan, Phòng không…

Bóng đá thị trường có rủng rỉnh tiền và do thiếu cái sườn luật lệ chặt chẽ nên cũng đã xóa hết hình ảnh của những đội bóng giàu truyền thống. So sánh sẽ khập khiễng, nhưng ít có giải bóng đá chuyên nghiệp lớn, thành công nào lại không có được cái tên của đội bóng đúng nghĩa. Khi nhà đầu tư có quyền lấy tên mình đặt trước tên đội bóng, thậm chí xóa luôn tên đội bóng thì cũng là lúc bóng đá không còn là môn thể thao đúng nghĩa nữa. Xem các đội bóng ở V-league, người ta cứ thấy như các doanh nghiệp đấu với nhau. Nếu cho rằng khi manh nha bóng đá chuyên nghiệp, cần tiền thì phải chấp nhận theo kiểu “qua sông phải lụy đò” thì thời điểm này đừng nói là siết chặt kỷ cương, vì có kỷ cương đâu mà siết.

Nhìn bản doanh của CLB Navibank Sài Gòn vắng vẻ khi phóng viên truyền hình VTV đến tìm hiểu thông tin đồn đoán về tình trạng nợ lương cầu thủ và lãnh đạo CLB lánh mặt thời gian vừa qua khiến ai tự tin lắm cũng khó tin được CLB này vẫn đang hoạt động bình thường. Tiền thân CLB này là đội bóng Quân khu 4 giành suất đá chuyên nghiệp khi vô địch giải hạng nhất năm 2008. Nghiễm nhiên có được suất dự V-league, lại có tiền, CLB đã đầu tư mua rất nhiều cầu thủ tên tuổi, với cái giá khủng nhằm mục tiêu vô địch. Kết quả cho đến mùa giải này, đội chỉ giành được một cúp quốc gia.

Không riêng CLB Navibank Sài Gòn, nhiều CLB khác cũng đổ núi tiền vô mua cầu thủ và đặt mục tiêu cao nhất ở V-league, nhưng rồi cũng vỡ mộng. Bóng đá là môn thể thao tập thể, và bất cứ môn thể thao nào thì ngôi cao nhất cũng chỉ có một. Vì vậy, để tranh cái ngôi cao nhất ấy, các đội bóng phải có tiềm lực lẫn khả năng, không thể đầu tư theo kiểu ăn xổi ở thì.

Một đội bóng chỉ đổ tiền vô vài mùa bóng, không giữ được truyền thống, không có các tuyển trẻ kế thừa, không có chiến lược bài bản lâu dài thì thất bại là điều đã được biết trước. Khi đầu tư vào bóng đá, ông bầu nào cũng một câu cửa miệng là “muốn làm bóng đá lâu dài, vì tình yêu bóng đá, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam…”. Khi không có được vị trí cao nhất thì cũng chính các ông bầu ấy quay sang đòi bỏ bóng đá vì đầu tư không sinh lợi, vì kinh tế khó khăn, vì không được tạo điều kiện…

Đến thời điểm này, nói “siết” thì vẫn có thể chưa muộn, nhưng hơn hết có lẽ là hệ thống luật lệ, quy định cần thể chế lại. Huy động sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp làm bóng đá là hết sức cần thiết, nhưng đừng để cả nền bóng đá trở thành trò chơi của các ông bầu. 

HOÀNG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục