Bóng đá chân... đất sét

1. Giải hạng Nhất đã tái khởi tranh hôm qua, như mọi khi: khung cảnh đìu hiu, chất lượng kém cỏi. So sánh thì nghe đau lòng chứ một trận đấu ở giải hạng Nhất không hơn nổi một trận thuộc giải bóng đá phủi Hà Nội.

Theo cách tổ chức của bóng đá Việt Nam thì giải hạng Nhất tức là phần đế của V-League. Muốn xem “thể trạng” của V-League ra sao, cứ nhìn vào giải hạng Nhất. Nếu không có đội hạng Nhất nào muốn thăng hạng thì suy ra V-League chẳng có chút giá trị gì cả.

Ấy vậy mà tình trạng 8 đội đá hạng Nhất đã diễn ra đến mùa thứ 4 rồi, càng lúc càng tệ hơn. Như chúng tôi từng phân tích, trong 8 đội hiện nay thì hết 7 đội “xin”không thăng hạng vì đá hạng Nhất còn chịu không nổi, thì thăng hạng làm gì. Đội bóng có khả năng cũng như điều kiện thăng hạng Nhất chính là CLB Hà Nội, tuy nhiên đội này chẳng khác gì là “sân sau” của HN T&T, lại chẳng muốn lên hạng làm gì.

Chiều qua, CAND (trái) vừa thất thủ 0-1 trước TPHCM. Ảnh: Đình Viên

2. Kiên Giang, An Giang xuống hạng ngay lập tức giải tán, không chơi hạng Nhất. Bà Rịa, Trẻ Khánh Hòa vừa từ hạng Nhì lên, cũng không chịu đá hạng Nhất, xin giải tán. Một loạt đội bóng cấp địa phương như Phú Yên, Nam Định, Đắk Lắk, Bình Phước hoặc đại diện cho ngành như Công an Nhân dân đá giải hạng Nhất hiện nay theo kiểu “cực chẳng đã” nhằm duy trì phong trào. Chúng tôi muốn phân tích kỹ như vậy để khẳng định: Trên thực tế tại Việt Nam, hoàn toàn không tồn tại giải hạng Nhất theo đúng nghĩa của nó, tức là phần kế thừa của V-League.

Vậy thì tại sao chúng ta cứ duy trì? Tại sao cứ tồn tại một mô hình V-League thì phình to, hạng Nhất thì bé tí, độc nhất vô nhị trên thế giới như vậy.

Đây là vấn đề thuộc về tư duy đang ngày càng tụt hậu của các nhà điều hành bóng đá Việt Nam. Sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp hiện nay rất méo mó, không thể cứ bê nguyên xi mô hình ở đâu đó để gán vào. Lẽ ra, trước tình hình quá kém của giải hạng Nhất (chưa nói hạng Nhì, hạng Ba còn tệ hơn) thì những người có tâm huyết phải nghĩ cách cải tổ hệ thống thi đấu cho phù hợp.

3.Chúng ta có thể học theo cách làm của Nhật Bản và Thái Lan trong giai đoạn đầu của J-League và Thai-League: Gom V-League và hạng Nhất thành 1, đá trong 3 năm mà không có đội xuống hạng, sau đó nếu đội nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuyên nghiệp thì ở lại V-League, các đội không đủ tiêu chí thì phải xuống đá nghiệp dư. Sau giai đoạn đó mới tổ chức lại giải hạng Nhất bao gồm các CLB của hạng Nhì đủ điều kiện chuyên nghiệp và các đội bị xuống hạng của V-League.

Nếu phương án trên không khả thi vì hiện tại các CLB tại Việt Nam khó đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp trong thời gian ngắn thì nên tìm cách “nâng cấp” giải hạng Nhất. Ví dụ như yêu cầu các CLB đang đá chuyên nghiệp phải tham gia giải hạng Nhất bằng đội U.21. Điều này vừa giúp tăng số đội dự giải hạng nhất lên gấp 2-3 lần, vừa giúp các cầu thủ trẻ có điều kiện thi đấu (bao gồm cả việc dự giải U.21 quốc gia). Về lý thuyết, đã là U.21 thì trình độ sẽ phải kém hơn các đội hạng Nhất thực thụ, nhưng trong trường hợp có đội U.21 chơi quá tốt, giành được quyền dự V-League thì theo quy chế không được phép thăng hạng. Khi đó, chủ sở hữu hoặc chuyển đổi sang pháp nhân khác, hoặc được phép “bán suất dự V-League” cho các CLB hạng Nhất không đủ điều kiện. Nếu không được nữa thì tự động nhường suất V-League ấy cho các đội hạng Nhất bên dưới.

Tóm lại, làm gì thì làm chứ không nên để tiếp diễn tình trạng một V-League có phần đế làm bằng… đất sét như hiện nay khó mà phát triển được.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục