“Bới lông, tìm vết”

Đến thời điểm này, thực sự chẳng ai biết mối quan hệ giữa VFF và VPF là gì, dù chính họ đã ngồi cùng nhau, đã tán thành 100%, đã góp vốn với nhau… suốt thời gian qua. Không thể định đanh được mối liên quan giữa họ. Thế mới nói chỉ vì một cái tên của giải đấu thôi mà hôm qua, màn “ra đòn” bằng văn bản lại tái diễn…
“Bới lông, tìm vết”

Đến thời điểm này, thực sự chẳng ai biết mối quan hệ giữa VFF và VPF là gì, dù chính họ đã ngồi cùng nhau, đã tán thành 100%, đã góp vốn với nhau… suốt thời gian qua. Không thể định đanh được mối liên quan giữa họ. Thế mới nói chỉ vì một cái tên của giải đấu thôi mà hôm qua, màn “ra đòn” bằng văn bản lại tái diễn…

Hôm qua chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đã đưa ra nhận xét rất đáng tham khảo khi cho rằng VFF nên “bắt tay” với VPF để điều hành giải đấu cho tốt hơn, vì cái tên không quan trọng bằng chất lượng. Theo ông Vinh, chuyện đổi tên chỉ là một kiểu “bới lông, tìm vết”.

Có thể nói, ý kiến của ông Vinh dường như chỉ đúng bản chất của sự việc mới nhất này. Như SGGP Thể Thao đã phân tích, thật ra chuyện yêu cầu đổi tên của VFF chẳng qua là để tránh nói về việc hiện Super League chưa hề có điều lệ thi đấu được thông qua. Hôm qua, bằng văn bản do PCT Nguyễn Lân Trung ký, chính VFF thừa nhận là điều lệ 2012 vẫn chưa ban hành mặc dù nó đã được đăng chình ình trên website của VFF.

Super League 2012 vẫn diễn ra trong bối cảnh tranh cãi gay gắt giữa VFF và VPF. Ảnh: Hoàng Hùng

Super League 2012 vẫn diễn ra trong bối cảnh tranh cãi gay gắt giữa VFF và VPF. Ảnh: Hoàng Hùng

Tất nhiên là VFF không muốn nhắc đến việc này khi việc phê duyệt thông qua là trách nhiệm của họ. Để giải đá đến vòng thứ 5 mà chưa có điều lệ thì VFF đang sai vô cùng nghiêm trọng. Hay nói cách khác, họ càng bảo VPF làm sai bao nhiêu thì chính họ lại sai gấp đôi. VPF không tự dưng mà có nếu VFF không phải là đơn vị chấp thuận, giám sát và tham gia điều hành. Nếu đấy là mối quan hệ “cha - con” thì trách nhiệm của “cha” vô cùng lớn.

Nếu đó là quan hệ “đối tác” thì VFF sẽ bị khép vào tội “buông lỏng quản lý” khi giao cho đối tác tổ chức giải vô địch quốc gia mà chẳng có đủ khung pháp lý. Còn nếu đó là quan hệ phụ thuộc theo kiểu thành viên thì suốt thời gian qua, VFF đã hỗ trợ cái gì mà để VPF đụng đâu, sai đó.

o0o

Quay trở lại với nhận xét của ông Nguyễn Văn Vinh. Thật khó có thể có một kết thúc tốt đẹp cho mối quan hệ VFF-VPF nếu cả 2 bên cùng có xu hướng “bới lông, tìm vết” lẫn nhau. VPF đã dùng các cơ sở pháp luật để tuyên bố hợp đồng truyền hình VFF-AVG vô hiệu thì VFF lại nhắm vào một chuyện “nhỏ… như con thỏ” đó là cái tên của giải đấu. Nói cách khác, mối quan hệ hiện nay nếu không đến mức là “kẻ thù” thì cũng dứt khoát chẳng phải là “bạn bè, đồng chí”, đừng nói gì đến chuyện “coi nhau như người nhà”.

Trong xu thế “bới và tìm” đó, những yếu tố quan trọng nhất của bóng đá bị bỏ qua một cách cẩu thả và hết sức nghiêm trọng như chuyện phục vụ khán giả hay vấn đề điều lệ thi đấu. Nghĩa là thay vì “bắt tay” cùng phát triển bóng đá Việt Nam thì “cuộc chiến” này lại có nguy cơ nghiệp dư hóa cả nền bóng đá khi xét nét nhau từng chuyện nhỏ nhặt.

Chúng tôi cho rằng, bất kỳ một cái gì mang tính tiến bộ thì đều phải đáp ứng và hoàn thiện những tiêu chuẩn tối thiểu. Việc VFF yêu cầu VPF đổi tên giải không phải là sai, nhưng vấn đề là nó quan trọng đến mức phải tiến hành “trận đấu công văn” hay không?

Tại sao không ngay lập tức ngồi lại để thông qua điều lệ giải? Tại sao không hoàn thiện các văn bản pháp quy để trao quyền cho VPF một cách trọn vẹn? Tại sao đến giờ này VFF còn chưa có Tổng thư ký mà họ cứ “bình chân như vại” và rảnh rỗi đến mức phải dùng công văn yêu cầu VPF đổi cái tên, thứ chẳng liên quan gì đến chất lượng lẫn bối cảnh ngột ngạt trong mối quan hệ giữa đôi bên hiện nay.

Liệu một tổ chức còn chưa hoàn thiện mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng bóng đá có nên chỉ đạo hay yêu cầu người khác phải hoàn thiện những chi tiết nhỏ nhặt hay không? 

Hồ Việt

Chưa có điều lệ sao được thi đấu ?

Chưa bao giờ có chuyện văn bản quan trọng nhất của một giải đấu là điều lệ chưa hình thành mà vẫn cho phép tiến hành thi đấu. Điều lệ là khung pháp lý cao nhất trong khuôn khổ một giải đấu và quy định những điều ảnh hưởng trực tiếp đến CLB và cá nhân cầu thủ, ví như thể thức thi đấu, việc lên xuống hạng, các hình thức kỷ luật… Và nếu không có điều lệ thì tại sao lại có thể tổ chức thi đấu được? Không thể nói rằng căn cứ vào điều lệ 2011 để thi đấu năm 2012 khi có hàng loạt sự thay đổi theo từng năm, chưa nói đến việc các CLB năm nay khác năm trước rất nhiều.

Tất nhiên, trong quá trình tiến hành giải, vẫn có thể sửa đổi điều lệ, chẳng hạn như sửa tên giải theo chỉ đạo của Tổng cục TDTT. Tuy nhiên, không thể nói là không có điều lệ được. Vậy mà theo công văn số 58 của VFF thì họ yêu cầu VPF thực hiện điều lệ và các văn bản khác của VFF nhưng đó là điều lệ nào, văn bản nào? Tại sao lại có đủ cơ sở áp dụng trong năm 2012 khi về tính chất, giải vô địch quốc gia đã có nhiều thay đổi.

Đây không phải là lúc để tranh cãi việc cho Super League diễn ra là lỗi của ai. Vấn đề là tại sao đến thời điểm này, không ai chịu thừa nhận quá trình tiến hành Super League có quá nhiều sơ sót, thiếu sự chuẩn bị và hoàn toàn chưa đủ mọi cơ sở pháp lý cần thiết để giải đấu được triển khai.

Một lần nữa, câu hỏi đặt ra: tại sao không ngừng giải đấu lại khi có quá nhiều thứ bất ổn, thậm chí chỉ từ chuyện cỏn con là cái tên của giải?

Việt Long

Tin cùng chuyên mục