Bát nháo

Là giải đấu chuyên nghiệp nhưng cách hành xử của các đội bóng đã biến V-League xô bồ như cái chợ. Người hâm mộ đang ngán ngẩm với cảnh mỗi mùa lại có vài đội bóng kiếm chuyện và đòi bỏ giải giống Chí Phèo ăn vạ.

Là giải đấu chuyên nghiệp nhưng cách hành xử của các đội bóng đã biến V-League xô bồ như cái chợ. Người hâm mộ đang ngán ngẩm với cảnh mỗi mùa lại có vài đội bóng kiếm chuyện và đòi bỏ giải giống Chí Phèo ăn vạ.

Sau Thanh Hóa tuyên bố “không giảm án cho Omar sẽ bỏ giải” thì chiều Chủ nhật rồi, đến lượt Long An thông báo sẽ bỏthi đấu giải nếu không chấn chỉnh công tác trọng tài(!?). Ai cũng hiểu, để tham dự V-League cần nhiều điều kiện và điều khoản ràng buộc. Tiếc rằng các đội bóng lại xem đó như trò chơi đơn thuần mà người tham gia thích thì chơi tới cùng còn không lại “bo xì” bỏ cuộc. Đa phần các CLB bỏ giải hoặc dẹp đội bóng từ quyết định của ông chủ, còn các nhà làm bóng đá biết đấy nhưng có vẻ chưa tìm ra thuốc trị.

Lãnh đạo và các cầu thủ CLB Long An phản ứng với quyết định của trọng tài. Ảnh: Dũng Phương

Bóng đá Việt Nam lên chuyên được 17 mùa với không ít thay đổi nhưng so với thời bao cấp vẫn thua nhiều thứ. Ngày trước, khi còn mang tên giải A1 hay giải đội mạnh toàn quốc, các đội bóng đa phần do địa phương hay ban ngành quản lý. Trước giải lúc bấy giờ, ban tổ chức thường đòi hỏi văn bản từ đơn vị chủ quản rằng phải đảm bảo cho đội bóng mình thi đấu trung thực và không bỏ cuộc… Thực tế khi đó luật rất nghiêm còn hiện nay lên chuyên tưởng ngon lành, nhưng nhiều đội vẫn hay đòi rút nửa chừng, dù vẫn còn một số CLB thuộc quyền kiểm soát của Sở. Cái dở của bóng đá chuyên nghiệp so với ngày trước là chẳng có gì để làm tin, rằng đội bóng có thế nào cũng chơi tới ngày chốt giải.

V-League những năm gần đây không có sự sàng lọc đầu vào, rồi tới khi đội bóng thoái lui thì rối tung lên cả. Phần nhiều các CLB đang chơi V-League có sự chi phối lớn từ phía các ông chủ. Mà có một số ông chủ lại nghĩ đơn giản là có tiền nuôi đội bóng, mua cầu thủ về đá thì cũng có thể dẹp bỏ như giải thể một doanh nghiệp.

V-League không phải cái chợ mà ai muốn vào hay ra gì cũng được. Ngược lại phía các nhà làm bóng đá cũng cần có quan điểm mạnh với những đội bóng hay có giọng điệu “thách thức” nhà tổ chức. Cần phải cứng rắn như hồi năm 2014. Ngày đó, sau bản án của Ban Kỷ luật, lãnh đạo CLB Hải Phòng kéo nhau đi kiện đình đám cùng lời hăm dọa bỏ giải của ông chủ tịch đội bóng. Sau lời đe dọa đó, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng trả lời rất tỉnh: “Nếu họ cảm thấy mình không thể tham dự giải nữa thì cứ bỏ. Đây là giải đấu chuyên nghiệp và chúng tôi cần những suy nghĩ chuyên nghiệp…”. Ngày đó, ông Thắng còn cho biết thêm là ông ủng hộ những bản án mạnh để đè cái xấu và lập lại trật tự cuộc chơi.

Câu trả lời của chủ tịch VPF cho thấy hơn lúc nào hết, bóng đá nội cần những CLB chuyên nghiệp thực thụ và cần những người làm ăn tử tế để bóng đá phát triển, chứ không phải kiểu trọng tài sai (nếu có) lại dỗi hờn như con trẻ.

Để có một V-League mạnh phải có một hành lang pháp lý nghiêm với những con người thực thi pháp luật rắn mặt.

ĐỨC DŨNG

Tin cùng chuyên mục