Đành rằng dưới thời HLV Park Hang-seo, Công Phượng cũng được gọi về dù gần như không ra sân tại câu lạc bộ Sint-Truidense (Bỉ) hồi năm 2019; hay chính HLV Troussier năm ngoái cũng sử dụng Quang Hải khi tiền vệ này chỉ ngồi dự bị tại Pau FC (Pháp). Tuy nhiên đó đều là các đợt tập trung thi đấu giao hữu, triệu tập những người ít thi đấu cũng để giúp họ tìm cảm giác đỉnh cao.
Bất kỳ HLV đội tuyển quốc gia nào cũng luôn muốn có cầu thủ tốt nhất, đạt phong độ cao nhất. Khi họ buộc phải sử dụng cầu thủ ít được thi đấu, cũng đồng nghĩa là... chẳng còn chọn lựa nào tốt hơn. Thực tế cho thấy, những lần về nước thi đấu của Công Phượng hay Quang Hải đều không thành công. Thiếu cảm giác bóng quá lâu khiến cho sự có mặt của họ trên sân không đem đến nhiều giá trị. Một người giàu kinh nghiệm như HLV Troussier chắc chắn phải biết điều đó, nhưng ông vẫn phải cất công sang đến Nhật Bản để gặp Công Phượng, và khi tiền đạo Tuấn Hải bị chấn thương bất ngờ, thì tự nhiên Công Phượng lại trở thành giải pháp.
Trong câu chuyện này, vấn đề không nằm ở Công Phượng hay HLV Troussier, mà là việc nguồn lực của bóng đá Việt Nam đang khá hạn chế, đặc biệt thiếu các vị trí trên hàng tấn công. May mắn là tiền đạo Tiến Linh kịp trở lại với phong độ cao. Nếu không có Tiến Linh, thì dù lục tung cả V-League cũng rất khó để tiến cử một cái tên xuất sắc nào có thể đá vai trung phong cho tuyển quốc gia. Ngay tiền đạo trẻ Nguyễn Đình Bắc, sau một Asian Cup tương đối ấn tượng thì ngay sau đó bị câu lạc bộ Quảng Nam kỷ luật vì vi phạm nội quy.
10 năm qua, trong tốp 3 của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam chỉ có 3 tiền đạo. Hai trong số đó là Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Văn Quyết, đều đoạt Quả bóng vàng khi đã 30 tuổi hoặc nhiều hơn, người còn lại là Nguyễn Tiến Linh thì một lần đoạt Quả bóng bạc, một lần Quả bóng đồng. Trước họ, tiền đạo gần nhất từng đoạt Quả bóng vàng là Lê Công Vinh vào năm 2007. Thông thường, các giải thưởng mang tính cá nhân có xu hướng bầu cho các cầu thủ ghi bàn, phần lớn là những tiền đạo. Vì thế, qua kết quả của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, chúng ta hình dung được sự khan hiếm chân sút, cũng như những khó khăn mà HLV Troussier phải đối mặt trước khi ông đưa ra quyết định gây sốc đối với trường hợp Công Phượng.
Bất ngờ kiểu này thì chắc chắn không vui. Công Phượng không phải là mẫu cầu thủ “quái kiệt”, thiên bẩm. Tài năng của anh đến từ ý thức chuyên nghiệp cao, có sự kiên trì nỗ lực lớn. Đó là những phẩm chất phụ thuộc nhiều vào khâu đào tạo, điều mà Công Phượng có được nhờ “lò” HA.GL - Arsenal JMG. Việc cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thêm những cầu thủ có tố chất như Công Phượng cho thấy công tác đào tạo không còn giữ được chất lượng như cách đây một thập niên. Hậu quả của nó, đó là HLV Troussier đành phải tạm dừng công cuộc trẻ hóa đội tuyển mà ông cố gắng suốt một năm qua để gọi lại nhiều cựu binh cho 2 trận đấu quan trọng với Indonesia sắp đến.