Bao giờ mới lo cho gốc?

Cuộc khủng khoảng của bóng đá Việt Nam đang trở nên nóng bỏng ngay đúng dịp giải U-21 do Báo Thanh Niên tổ chức bước vào tuổi 15. Tự nhiên, để lại cho những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam nhiều suy nghĩ.

Cuộc khủng khoảng của bóng đá Việt Nam đang trở nên nóng bỏng ngay đúng dịp giải U-21 do Báo Thanh Niên tổ chức bước vào tuổi 15. Tự nhiên, để lại cho những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam nhiều suy nghĩ.

Để duy trì một giải bóng đá trẻ không bao giờ là điều dễ dàng, vậy mà các nhà tổ chức, dưới hình thức vận động xã hội, lại đều đặn diễn ra năm này sang năm khác. Thậm chí, còn nâng tầm thêm với giải quốc tế U-21 đi kèm. Vậy mà chẳng hiểu tại sao các CLB bóng đá, đặc biệt là những đội bóng thuộc doanh nghiệp lại thờ ơ trong việc đào tạo trẻ. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là các đội thuộc những địa phương có khả năng đào tạo trẻ lên ngôi vô địch. Cứ như việc chăm lo cho cái “gốc” của nền bóng đá là phần việc của nhà nước vậy.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến “bong bóng bóng đá” hiện nay đó là các doanh nghiệp làm bóng đá theo kiểu lướt sóng, mua - bán cầu thủ vô tội vạ, đẩy giá trị cầu thủ lên cao mất kiểm soát, gây không ít bất công trong xã hội. Họ đầu tư cho bóng đá mà không lo gì đến các tuyến kế thừa, cứ vung tiền ra mua cầu thủ tứ xứ về đá, cốt lấy danh hiệu rồi… nghỉ. Trong khi đó, mục tiêu tốt đẹp nhất của bóng đá chuyên nghiệp là tạo ra một nghề nghiệp đặc biệt, giải quyết một phần công ăn việc làm cũng như định hướng tương lai cho thế hệ trẻ. Nếu không chăm lo cho bóng đá trẻ thì mục đích ấy coi như không thành.

Làm bóng đá trẻ có khó không? Chắc chắn là có, nhưng với sự thành công của giải U-21 thì rõ ràng điều đó chẳng quá khó đến mức không thể. Nếu các CLB chuyên nghiệp làm tốt công tác này thì mỗi năm họ giảm đến 50% ngân sách và qua đó cũng không làm bát nháo thị trường chuyển nhượng như hiện nay. Đáng tiếc là phải đến mùa giải 2013 các chế tài về đào tạo trẻ mới được áp dụng, qua đó các CLB chuyên nghiệp phải có đủ 3 tuyến (U-21, U-19, U-17). Dù sao, muộn còn hơn không.

Trên thực tế, hiện vẫn có nhiều địa phương tập trung vào mảng đào tạo trẻ dù không có đội dự các giải đỉnh cao như Nam Định, Đồng Nai, Tiền Giang… Tuy nhiên, lại có rất ít mô hình hợp tác giữa các đội thuộc doanh nghiệp và những địa phương nói trên, trong khi nếu có phương án phối hợp tốt sẽ hình thành nơi chuyên về đào tạo trẻ và các CLB chuyên nghiệp cũng không phải lo lắng quá nhiều về các tuyến kế thừa.

V.Quang

Tin cùng chuyên mục