Tìm nguồn đầu tư hiệu quả
“Kết quả tại Olympic Tokyo 2020 không mang lại kết quả huy chương, nhưng ở góc độ chuyên môn tôi thấy xạ thủ của mình đã nỗ lực hết khả năng. Phải nhìn nhận, để đạt được một tấm huy chương Olympic không bao giờ dễ. Và, bắn súng Việt Nam đào tạo được 1 xạ thủ có chuyên môn tốt đủ tranh chấp các giải quốc tế cũng khó như thế, thời gian đòi hỏi từ 5 tới 10 năm đào tạo. Do vậy, muốn bắn súng Việt Nam có thành tích, phải cho chúng tôi thời gian để đào tạo và chuẩn bị lực lượng”, Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam – bà Nguyễn Thị Nhung giãi bầy trong trao đổi ngày 10-8.
Bà Nhung nhìn nhận, mấu chốt của các môn thể thao, trong đó có bắn súng muốn thành tích chuyên môn VĐV đi lên thì cần sự đầu tư hiệu quả. “Chúng tôi nhìn sang sự đầu tư của các quốc gia châu Á nói riêng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để thấy vì sao họ có được các xạ thủ thi đấu tốt qua việc nước đó có cơ sở vật chất dành cho bắn súng hiện đại, chế độ đãi ngộ VĐV tốt cũng như luôn có một chương trình trọng tâm về Olympic cụ thể”, HLV này nói thêm.
Thực tế, thể thao Việt Nam chưa có một nghiên cứu bài bản, cụ thể nhất về chiến lược Olympic. Hoặc không, một chương trình đào tạo riêng VĐV “gà nòi” dự Olympic gần như chưa thực hiện. Khi thể thao Việt Nam lần đầu có HCV tại Olympic, tất cả chờ đợi nhà quản lý sẽ có sự đầu tư mạnh hơn vào trang thiết bị, cơ sở vật chất với kỳ vọng xây dựng thêm trường bắn cho môn bắn súng sau năm 2016. Đến lúc này, trường bắn kỳ vọng vẫn chỉ là ước mơ.
Trước câu hỏi, với sự hoạt động của Liên đoàn bắn súng Việt Nam thì các nguồn xã hội hóa tìm được có đủ giúp phát triển cho môn thể thao này không? Bà Nhung trả lời “hàng năm, chúng tôi có một số nguồn xã hội hóa nhưng với con số nhỏ tiền tài trợ nên chi phí cho hoạt động còn chưa đủ. Vì thế, tiền tài trợ dành cho đào tạo chuyên môn VĐV là chưa thể được nhiều”.
Phụ trách bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) – bà Vũ Anh Đào xác nhận, sau Olympic Tokyo 2020, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ kết thúc việc tập trung với vai trò là VĐV. Từ ngày 21-9 trở đi, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vẫn lên đội tuyển với vai trò là HLV thuộc thành phần ban huấn luyện tuyển quốc gia. “Ngoài huấn luyện, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có thể vẫn thi đấu bởi khi có đối trọng là VĐV chuyên môn tốt thì các VĐV trẻ sẽ nỗ lực vượt lên”, bà Đào phân tích.
Bắn súng Việt Nam có VĐV phía sau nhóm cựu trào Xuân Vinh, Quốc Cường. Qua tìm hiểu, đội tuyển đã lên danh sách 10 người (trong đó có 2 xạ thủ của tổ súng ngắn, 2 của tổ bắn nhanh, và số còn lại thuộc các nội dung khác) là nòng cốt được trau dồi dồn sức tập luyện, thi đấu quốc tế nhằm thay thế đàn anh giành kết quả.
Bà Nhung nói thẳng:“Để đào tạo 1 xạ thủ chiến lược, sự đầu tư cho người đó không dưới 5 tỷ đồng/năm. Đó là để VĐV thi đấu các giải quốc tế và rèn luyện cũng như thuê HLV ngoại giỏi. Bắn súng có đặc thù, phải thi đấu mới lên thành tích và tâm lý và VĐV tốt nhất quốc tế luôn dự đủ các lượt giải của Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF) trong năm”.
Hiện tại, nếu hỏi VĐV nào đã sẵn sàng thay thế xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, ban huấn luyện đội tuyển không thể trả lời. Nhưng nếu hỏi, ai sẽ có khả năng đạt kết quả quốc tế vào 3 năm tới, HLV Nguyễn Thị Nhung xác nhận với đủ thời gian huấn luyện thì chắc chắn đội tuyển sẽ tìm được vé chính thức dự Olympic năm 2024 tại Pháp.