Bắn cung Việt Nam: Phát triển theo vùng

Bắn cung Việt Nam đã thêm 1 suất vào danh sách trọng điểm hưởng chế độ dành cho HLV, VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam năm 2017. Trưởng bộ môn bắn cung (Tổng cục TDTT) – ông Bùi Trường Giang mong bắn cung Việt Nam đầu tư thêm để có những kết quả tương xứng.
Bắn cung Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Thiên Hoàng
Bắn cung Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Thiên Hoàng
1. Suất được bổ sung vào danh sách hưởng chế độ đặc thù là HLV Cáp Mạnh Tân. Trong danh sách 55 VĐV được Bộ VH-TT-DL phê duyệt hưởng chế độ đặc thù (800 ngàn đồng/người/ngày) của năm 2017 trước đó, VĐV Lộc Thị Đào và Nguyễn Tiến Cương có tên. Thêm HLV Cáp Mạnh Tân, bắn cung Việt Nam yên tâm khi thầy và trò được quan tâm hơn.

Hỏi  về sự phát triển của bắn cung Việt Nam hiện tại, bởi so với “người anh em” bắn súng (hai môn thể thao trên cùng một Liên đoàn) bắn cung còn quá ít tiếng tăm, ông Giang phân tích “hiện tại, môn bắn cung cả nước có 20 đơn vị thường xuyên tham dự các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia. Tuy nhiên, trong giải trẻ toàn quốc, hơn 30 đơn vị cử VĐV thi đấu. Các địa phương đào tạo và có VĐV mạnh vẫn là Hà Nội và Vĩnh Long”.
 
Xét về đầu tư, bắn cung không phải môn được nhiều đơn vị lấy làm thế mạnh. Đơn cử, bắn cung Cần Thơ gần 10 năm qua chỉ có 1 VĐV (Trần Văn Chờ) tập luyện, thi đấu. Sự đầu tư giữa các địa phương và giữa các vùng miền rất khác nhau. Tại miền Bắc, địa phương “chịu chi” chấp nhận vượt khó phát triển bắn cung có Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và thêm một chút ở Thanh Hóa, Phú Thọ... Phía Nam, bắn cung TPHCM là một nơi đầu tư mạnh. Tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long thì Vĩnh Long và Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa chỉ “đỏ”. “Chúng tôi rất muốn sự phát triển rộng khắp của môn thể thao này. Tuy nhiên, sự đầu tư và phát triển tùy thuộc vào mỗi địa phương. Khi nhắm được thành tích, địa phương mới phát triển. Thêm nữa, làm bắn cung là phải chấp nhận chi phí nhiều vì trang thiết bị tốn kém”, ông Giang cho biết thêm. 

2. Bắn cung Việt Nam từng nhắm 1 suất chính thức dự Olympic 2016. Đáng tiếc, ở lượt đấu có thể tranh suất chính thức, VĐV của ta chưa thành công. Năm nay, VĐV bắn cung sẽ được người hâm mộ cả nước chờ đợi nhất do môn này có nội dung thi đấu tranh huy chương đầu tiên ở SEA Games 2017. “Chúng ta có cơ hội tranh chấp HCV. Tôi chưa thể nói trước nhưng các em VĐV phải nỗ lực thì mới đạt được chỉ tiêu đề ra. Năm 2015 tại Singapore, bắn cung đã đóng góp 2 HCV vào thành tích chung của đoàn Việt Nam”, ông Bùi Trường Giang khẳng định. 

Cấp đội tuyển, mọi sự đầu tư cho VĐV luôn mạnh mẽ nhất để đạt thành tích cho quốc gia. Nhưng nhà quản lý bộ môn nhìn nhận để bắn cung phát triển phổ cập hơn, mỗi địa phương cần nguồn lực con người đưa vào đào tạo VĐV tuyến trẻ và có nguồn tài chính ổn định. Thêm một ví dụ, thể thao Quảng Ninh không mạnh về bắn cung. Đơn vị này bắt đầu đầu tư bắn cung từ năm 2012 và chỉ có 5 cung thủ thi đấu tuyến 1. Chưa có trường bắn riêng, bắn cung Quảng Ninh lúc tập tại SVĐ Cẩm Phả, lúc thuê tập ở Trung tâm TDTT Hải Phòng. Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh xác định đó là môn cần đầu tư nên VĐV bắn cung Quảng Ninh vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để tập luyện. 

Hiện Trung tâm HLTTQG Cần Thơ được giao nhiệm vụ tập huấn, huấn luyện các VĐV trẻ nòng cốt của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm tiền đề nhân rộng phong trào. Giải bắn cung thuộc chương trình thi đấu Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long 2017 vừa qua, trước các địa phương khách mời, cung thủ của khu vực tới từ Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh... là hạt nhân chính giành các bộ huy chương tại giải. Về chuyên môn, tính chất vùng miền và tố chất con người quyết định sự khéo léo trong thi đấu bắn cung.

Tin cùng chuyên mục