Sự cố bóng đá ngày 1-2 tại Port Said (Ai Cập) được xếp là 1 trong 5 thảm kịch bóng đá tồi tệ nhất thế giới. Nó cướp đi sinh mạng của 74 người, làm hàng trăm người khác bị thương. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một trận đấu bóng đá lại có thể dẫn đến kết cục kinh hoàng đến như thế? Nguyên nhân để xảy ra thảm kịch thật ngớ ngẩn và vô lý đó là do sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của lực lượng giữ gìn trật tự, cảnh sát bảo vệ sân bóng, trước làn sóng hàng chục ngàn người, bị nêm chặt giữa các bức tường.
Người ta nói sự cố thường bắt đầu từ đám đông, khi đám đông trở nên hỗn loạn mất kiểm soát và khi những người có trách nhiệm giữ gìn trật tự không đánh giá đúng tầm quan trọng của sự việc, coi nhẹ công tác tổ chức thì sự cố sẽ xảy ra.
Không ai muốn điều tồi tệ đó xảy ra, nhất là tại Việt Nam, nơi mà bóng đá được hâm mộ cuồng nhiệt và có không ít lần xảy ra những vụ đụng độ giữa các cổ động viên với nhau và với lực lượng bảo vệ, trật tự. Nói đâu xa, sự cố sau trận tứ kết Cúp quốc gia ngày 29-1, giữa Sài Gòn FC và Thanh Hóa, dẫn đến hàng trăm cổ động viên chủ nhà vây lấy xe chở đội khách, ném đá làm vỡ kính xe và bị thương cầu thủ, buộc ban tổ chức sân “cầu viện” thêm lực lượng cảnh sát cơ động mới giải vây được cho cầu thủ khách.
Năm 2007, tại giải vô địch quốc gia cũng xảy ra sự cố có liên quan đến đội khách Thanh Hóa, khi cổ động viên đội này ném đủ thứ vật lạ, chai lọ sau khi cầu thủ A Vỹ ghi bàn mở tỷ số, đến lúc trung vệ Amurako bị thẻ đỏ phút 55 và đội chủ nhà Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn được hưởng quả 11m thì cơn thịnh nộ của cổ động viên khách biến thành “cơn bão vật cứng” và biểu ngữ cổ động của đội chủ nhà bị giật xé và đốt cháy.
Trận đấu phải tạm dừng 70 phút, rồi trọng tài Đặng Thanh Hạ buộc phải cho kết thúc luôn, với hơn 400 cảnh sát cơ động được điều đến sân Quân khu 7 giải tán đám người quá khích. Buổi chiều cùng ngày, các hãng thông tấn nước ngoài gọi vụ việc trên là “Hooligan Việt Nam”.
Vẫn liên quan đến giải vô địch năm 2007 và cổ động viên Thanh Hóa giữa chủ nhà Thanh Hóa và người láng giềng Sông Lam Nghệ An trong khuôn khổ vòng đấu thứ 20, ngày 12-8. Kết quả thua 1-2 đã nhóm lên mồi lửa hung hãn nơi cổ động viên Thanh Hóa. Họ vây lấy xe chở đội khách, phá tung vòng rào cảnh sát mỏng manh, rượt đuổi cầu thủ khách chạy tán loạn ra đường, lao vào tận nhà dân khóa cửa cố thủ, mà chứng nhân của ngày hôm ấy là Quả bóng vàng Lê Công Vinh.
3 giờ sau, cầu thủ SLNA mới được hộ tống bởi trùng trùng điệp điệp cảnh sát cơ động, ra xe về lại Vinh, nhưng liên tục bị chặn giữa đường, ném gạch đá…
Sự cố bóng đá là không thể xem thường, vì nó dễ dẫn đến những thảm kịch, cướp đi sinh mạng của hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Bài học trước mắt từ Ai Cập chính là hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhất là khi giải đấu Super League và giải hạng nhất đang trao quyền điều hành cho một công ty còn thiếu nhiều kinh nghiệm tổ chức.
Minh Hùng