Lấy ví dụ: đội tuyển Việt Nam hiện đang có những thành công đặc biệt cũng là nhờ sở hữu một thế hệ cầu thủ cực tốt và một nhà cầm quân “có duyên” như ông Park Hang-seo.
Tuy nhiên, để có được thành tích như hiện nay thì bóng đá Việt Nam đã mất khoảng 6-7 năm (tính từ 2010) rất khó khăn tìm kiếm lực lượng kế thừa. Nếu chúng ta để ý kỹ sẽ thấy, thành công của giai đoạn 2008-2009 cũng chỉ đến sau 5 năm tính từ 2003. Lứa 2003 cũng xuất hiện sau “thế hệ vàng” của SEA Games 1995 chừng đó năm.
Tóm lại, không thể có chuyện 1-2 năm lại cho ra đời một thế hệ xuất sắc, lớp sau tốt hơn lớp trước được. Luôn cần có một khoảng thời gian nhất định, có khi lên đến cả thập niên, để nhiều cầu thủ giỏi sẽ được phát hiện cùng một thời điểm và tạo nên “thế hệ vàng”.
Đây cũng chẳng phải là chuyện riêng của bóng đá Việt Nam. Những làng cầu lớn nhất thế giới cũng luôn phải phụ thuộc vào quy luật mang yếu tố con người này. Làm bóng đá khoa học và căn cơ như đội tuyển Đức, từ sau ngôi á quân năm 2002 đến hơn thập niên mới vô địch World Cup 2014. Tây Ban Nha thống trị thế giới suốt 4 năm (2008-2012), hiện vẫn đang tìm mỏi mắt thế hệ tiếp nối. Bóng đá Pháp có tiếng về đào tạo trẻ nhưng cũng phải gần 10 năm mới có thêm một tập thể số 1 thế giới.
Vì đã là quy luật nên… có thể biết trước mà thích ứng thay vì lo lắng, chán nản. Không thể có cách gì để “đốt giai đoạn” mà tạo ra nhanh một “thế hệ vàng” tiếp nối, nên điều quan trọng là phải kéo dài giai đoạn thăng hoa của thế hệ hiện tại, kết hợp với duy trì công tác đào tạo, để quãng thời gian chờ đợi được rút ngắn. Nhưng quan trọng hơn cả là đừng nôn nóng mà gây áp lực lên các cầu thủ trẻ rồi lại tái diễn chuyện “hái lúa non”.
Các lứa U19 những năm 2014, 2016 của bóng đá Việt Nam chính là những tinh hoa của các khóa đào tạo đầu tiên đến từ lò HA.GL, PVF, Viettel và Hà Nội. Cùng một giai đoạn tuyển sinh, các “lò” đồng loạt “vét sạch” những tài năng trẻ khắp cả nước từ 11-15 tuổi. Điều này dẫn đến các đợt tuyển sinh kế tiếp sẽ chẳng còn nhiều người để chọn.
Ví dụ như khóa 1 của HA.GL - Arsenal tuyển sinh từ tuổi 11, thì đến khóa 2 họ phải chấp nhận tuyển từ U13 và sau đó là U-15 ở khóa 3. Thành tích của các đội tuyển U16, U19 từ năm 2017 đến nay đều rất kém.
Hai năm liên tiếp gần nhất, U19 Việt Nam không vào được bán kết giải Đông Nam Á nên nếu năm nay mà U18 lặp lại điều tương tự cũng không có gì bất ngờ. Thậm chí, mục tiêu vượt qua vòng loại U19 châu Á được tổ chức vào cuối năm nay cũng có thể không thực hiện được, dù VFF đã chủ động xin đăng cai để có lợi thế sân nhà.
Vì vậy, gây áp lực hoặc phê phán các cầu thủ U18 ở thời điểm này là không hợp lý. Điều cần làm là cố gắng duy trì thành công ở cấp độ đội tuyển hoặc U23, tạo nguồn cảm hứng cho công tác đào tạo trẻ vốn cần sự kiên nhẫn và được đầu tư lâu bền.