Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì trong tuần tới, Bộ VH-TT-DL phải trình bày lại kế hoạch đăng cai Asiad 18, xuất phát từ khoản kinh phí “siêu tiết kiệm” 150 triệu USD mà Ủy ban Olympic Việt Nam trình. Vấn đề là vì sao chỉ có 150 triệu USD thì lại khá mơ hồ và mọi người thắc mắc về khoản chi ít ỏi một cách kỳ lạ đó. Nó càng bất thường hơn nếu chúng ta điểm lại 4 kỳ đăng cai Asiad gần nhất.
Khi Qatar giành quyền tổ chức Asiad 2006, họ đã gặp sự phản ứng của Malaysia và Trung Quốc khi các ứng viên này cho rằng việc lựa chọn Doha (Qatar) là “chọn lựa của đồng tiền” (ý nói Qatar đã tung tiền ra để thuyết phục các lá phiếu chọn họ).
Đến kỳ tranh quyền đăng cai Asiad 2010 thì Quảng Châu (Trung Quốc) là ứng viên duy nhất sau khi Kuala Lumpur (Malaysia) bỏ cuộc vì Hội đồng Olympic nước này không được chính phủ ủng hộ do chi phí quá cao.
Tại kỳ đăng cai Asiad 2014 cũng diễn ra một tình huống tương tự. Thành phố Delhi bị đánh giá thấp sau khi Bộ trưởng Thể thao Ấn Độ đề nghị giảm ngân sách xin đăng cai, trong khi phía đối thủ Incheon (Hàn Quốc) thì giờ chót tuyên bố sẽ bỏ ra thêm 20 triệu USD để hỗ trợ cho các đoàn chưa từng đoạt huy chương tại Asiad nhằm giúp họ tham gia thêm đông đảo. Tóm lại, một lần chọn lựa quyền đăng cai là một cuộc chạy đua về tiền của.
Có thể nói, việc Việt Nam đưa ra kinh phí “siêu tiết kiệm” 150 triệu USD mà vẫn giành được quyền đăng cai có thể nói là “kỳ tích”. Thế nên, dư luận có quyền thắc mắc liệu đó có phải là con số thực sự giúp chúng ta nhận được các lá phiếu thuận tại cuộc họp hay không? Và nếu không phải thì con số thật là bao nhiêu?
Theo cách giải thích của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang, thì 150 triệu USD là phần bỏ ra sau khi đã trừ các khoản kinh phí được cho là “có sẵn” trong quy hoạch của Hà Nội cũng như các địa phương khác. Hơn nữa, 150 triệu USD này đã tính luôn cả ngân sách xã hội hóa (chưa có gì chắc chắn) để có đủ cơ sở vật chất phục vụ Asiad, bao gồm cả “triển vọng phát triển kinh tế” sau 5 - 6 năm nữa.
Có thể thấy phảng phất “tư duy SEA Games” trong việc đăng cai Asiad 2019. Đấy là lấy số lượng huy chương đánh đồng với chất lượng chuyên môn trong thi đấu. Đấy là tư duy phân chia số lượng huy chương theo kiểu “cả nhà cùng vui” nhằm phát triển phong trào ngay tại một đại hội thể thao mang tính tranh đua xem ai nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn.
Tư duy ấy cũng được thể hiện trong đề án đăng cai nhằm thuyết phục Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương như “quảng bá hình ảnh đất nước”, “nâng cao thể trạng người dân”… Trong khi trên thực tế, khi quyết định đăng cai một sự kiện thể thao lớn thì cái cần quan tâm nhất là tiềm lực kinh tế của quốc gia, khả năng đoạt thành tích trong thi đấu, triển vọng phát triển thể thao cũng như tận dụng cơ sở vật chất sau đại hội…
Chưa biết Chính phủ có đồng ý với kế hoạch của ngành thể thao tại buổi làm việc sắp tới hay không, nhưng nếu chúng ta đã và đang triển khai việc đăng cai một sự kiện tầm cỡ thế giới như Asiad bằng “tư duy SEA Games” thì quả là một sự bất ổn về mặt thực hiện.
ĐĂNG LINH