Asiad 2019 là kỳ đại hội thứ 18, trước đó chỉ mới có 9 quốc gia châu Á tổ chức sự kiện này nên có thể nói, đăng cai Asiad là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, một đằng thì ngành thể thao muốn tổ chức theo kiểu “siêu tiết kiệm” với ngân sách 150 triệu USD, một đằng phải bảo đảm thành công cho sự kiện. Không dễ để thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu đó.
Đầu tư đến 2 lần
|
Xu hướng chung của thế giới hiện nay khi tổ chức các sự kiện thể thao lớn là phải tận dụng tối đa những thứ phải đầu tư. Để chứng minh cho “một nước Nga” mới, người Nga đã quyết liệt giành quyền đăng cai liên tiếp Olympic mùa đông 2014 và World Cup 2018. Brazil tổ chức liên tiếp World Cup 2014 và Olympic 2016.
Sau khi tổ chức Asiad 2006, Qatar tiếp tục đăng cai Asian Cup 2011 và đặc biệt là World Cup 2020. Chúng ta có thể thấy điều tương tự ở Hàn Quốc (với World Cup và Asiad 2002, Asiad 2015, Olympic mùa đông 2018), Trung Quốc (Olympic 2008, Asiad 2010), Australia (World Cup bóng đá nữ và Asian Cup 2015).
Như vậy, đây là cách các quốc gia đầu tư một lần cho nhiều mục đích, từ tận dụng cơ sở vật chất thể thao đến quảng bá hình ảnh quốc gia có tính tập trung cao trong thời gian trọng điểm.
Nhưng tại Việt Nam, phải đến 16 năm sau, SEA Games 2003 chúng ta mới tổ chức Asiad. Độ trễ quá lớn này khiến cho dù không đầu tư xây mới nhiều nhưng ngân sách sửa chữa, nâng cấp cũng chẳng hề nhỏ.
|
Thành phố đăng cai là Hà Nội đã dự trù 1.100 tỷ đồng. Xin nhớ đây chỉ mới là phần đầu tư nâng cấp các cơ sở thể thao, chưa tính chi phí bảo dưỡng mỗi năm hơn 200 tỷ đồng, chưa tính các khoản đầu tư hạ tầng để đủ tầm vóc đăng cai Asiad.
Một cựu quan chức thể thao nói vui, đây là kiểu “đầu tư 2 lần” cho một địa điểm chứ chưa chắc là đã tiết kiệm. Nói như vậy vì sau SEA Games 2003, nhiều cơ sở vật chất không sử dụng hết và đúng công năng nhưng vẫn phải tốn chi phí bảo dưỡng hàng năm.
Ví dụ như SVĐ quốc gia Mỹ Đình, hơn 10 năm qua, ngoài các trận bóng đá của đội tuyển, chỉ mới tổ chức được vài giải điền kinh vô địch quốc gia lèo tèo khán giả. Phần thời gian còn lại cho thuê làm bãi đỗ xe, sân tập golf, sự kiện âm nhạc… làm hư hỏng không ít đường chạy và mặt cỏ.
Hoặc như cung thể thao trong nhà cũng tại Mỹ Đình xây dựng cho Asian Indoor Games 2009, mới đây còn đưa giải vô địch quần vợt quốc gia vào thi đấu để còn có cái… xin ngân sách bảo dưỡng.
Nói cách khác, dù không xây mới nhưng chính các cơ sở cũ tại SEA Games 2003 đã bị “đội giá” đầu tư nếu như sau Asiad 2019, việc sử dụng vẫn theo tình trạng cũ.
Câu hỏi “tiền đâu”?
|
Sau Asiad 2019, chắc chắn các cơ sở tại Hà Nội sẽ “đắp mền” vì nếu có tổ chức SEA Games lần thứ 2, địa điểm sẽ là TPHCM.
Nói như vậy để thấy, đầu tư cho Asiad 2019 không phải là 150 triệu USD (3.000 tỷ đồng) như ngành thể thao đang ước tính mà có thể là 10.000 tỷ. Ngược lại, cứ mang tâm lý 150 triệu USD để tổ chức Asiad là “tiết kiệm” lại dễ phát sinh những kiểu dự án ăn theo để “bòn rút” phần ngân sách phát sinh dễ bị dư luận bỏ qua này.
Như đã phân tích ở trên, việc tổ chức Asiad là điều đáng tự hào nhưng để nó là khoản đầu tư hiệu quả thì cần xem lại. Sẽ có hàng ngàn tỷ đồng “tiền tươi” rót thẳng cho Asiad 2019 nhưng lại chưa thấy nói về tính khả thi trong việc thu hút nguồn tài trợ xã hội hóa, cách chống lãng phí sau đại hội, chi phí bão dưỡng cũng như hiệu quả đem lại cho riêng ngành thể thao, chưa nói đến sự tăng trưởng kinh tế hay thấp hơn, là doanh thu ngành du lịch văn hóa…
Trong khi đó, trên thế giới người ta tính ngân sách đầu tư dựa trên những gì thu lại sau đó. Đầu tiên là mức tăng trưởng kinh tế trong 3 năm sau sự kiện, kế đến là quá trình chuyển giao cơ sở vật chất cho tư nhân để thu hồi vốn.
Xây một sân vận động xong thì phải tính cho CLB bóng đá nào thuê lại, làm một nhà thi đấu thì phải tính sẽ tổ chức sự kiện gì ngoài thể thao để còn làm bãi xe, ghế ngồi cho phù hợp…Trong khi ở Việt Nam, xây sân xong vẫn cứ tắc ở khâu sử dụng hậu đại hội. Đấy chính là sự lãng phí lớn nhất.
YẾN PHƯƠNG - KHANG VIỆT