Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Indonesia đang thắp lửa cho thể thao “vùng trũng” bằng những chiến thắng liên tiếp và đầy bất ngờ. Đấy là câu chuyện thần kỳ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng, là cú sốc mà kình ngư Joseph Schooling tạo ra khi đoạt HCV 100m bướm nam, là sự hãnh diện trên bục đón nhận HCV của 2 lực sĩ nữ Thái Lan Sopita Tanasan và Sukanya Srisurat…
Ở đấu trường khắc nghiệt như Olympic, thắng được huy chương đã là điều tuyệt vời. Đằng này, thể thao Đông Nam Á còn sở hữu đến 4 tấm HCV tính đến thời điểm hiện tại thì có thể khẳng định rằng, họ cũng có điều để tự hào và sánh vai cùng bạn bè thế giới. Trong đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nổi bật nhất khi đem về cho thể thao Việt Nam 1 HCV và 1 HCB, chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Có thể nhấn mạnh rằng thành tích cá nhân của Hoàng Xuân Vinh là số 1 khu vực, vì chẳng dễ dàng gì khi anh thắng gần như tuyệt đối ở các nội dung tham dự. Anh đã trở thành biểu tượng mới cho thành công của thể thao Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á nói chung. Hoàng Xuân Vinh chính là sự khích lệ cho thể thao khu vực, vì ý chí và nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của mình.
Thái Lan vẫn là lá cờ đầu của Đông Nam Á ở mọi cuộc tranh tài đẳng cấp thế giới, vì họ được đầu tư lớn, rất bài bản và luôn thể hiện tầm nhìn Olympic của mình. 2 tấm HCV, cộng thêm với 1 HCB và 1 HCĐ ở môn cử tạ đã giúp thể thao xứ Chùa vàng bay cao. Trước kia, người ta chỉ nhắc đến Bulgaria, Nga, Hy Lạp… về sức mạnh cơ bắp, nhưng giờ đây, thế giới phải nhắc đến Thái Lan và đến cả Indonesia (dù quốc gia này chỉ giành được 2 tấm HCB môn cử tạ).
Sự kiện kình ngư Joseph Schooling đánh bại huyền thoại Michael Phelps ở đường đua xanh, dù chỉ 1 lần, nhưng cũng đủ giúp bơi lội Singapore phát cuồng. Tấm HCV của Schooling rõ ràng mang ý nghĩa lịch sử đối với xứ này, không chỉ vì họ đang sở hữu “thần đồng bơi lội”, mà còn vì đây là môn thể thao cơ bản của Olympic, rất khó giành chiến thắng trước các cường quốc mạnh về bơi lội như Mỹ, Australia, Hungary, Đức, Pháp…
Schooling thổ lộ rằng anh không tin vào mắt mình sau khi chạm tay vào thành hồ đầu tiên ở đợt bơi chung kết 100m bướm nam. Nhưng đâu chỉ mình kình ngư này ngỡ ngàng vì điều đó, mà cả thế giới bơi lội đã giật mình và bỗng nhiên họ nhìn bơi lội vùng Đông Nam Á với một ánh mắt rất khác, có nhiều hơn sự tôn trọng.
Đông Nam Á đang trải qua 1 kỳ Olympic thành công, mặc dù nhiều niềm hy vọng khác chưa thể thắng giải như dự tính ban đầu, ở các môn cử tạ, đấu kiếm, bắn súng, bơi lội… Nhất định, sau Olympic 2016, một cuộc chạy đua ở khu vực sẽ diễn ra cho Olympic 2020, để các quốc gia quyết liệt đầu tư cho những môn mình vừa chiến thắng, hoặc tiệm cận với khả năng tranh chấp huy chương ở đấu trường khó khăn này.
SEA Games và ngay cả Asiad giờ đây đã trở thành nơi nuôi dưỡng những tài năng trẻ, là bệ phóng cho một cuộc bứt phá khác trong 4 năm nữa, bởi không thể xếp ngang chiến tích đoạt HCV Olympic với việc giành HCV ở Asiad hay SEA Games được. Cả thế giới đang cùng hướng đến đấu trường Olympic, coi đấy là đỉnh cao duy nhất thể hiện sự cường thịnh của nền thể thao, thì dĩ nhiên thể thao Đông Nam Á cũng vậy, phải cầu thị như cách mà tất cả vừa phô diễn trong ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh ở Rio de Janeiro…
LÊ QUANG