Al-Barazi và sự lựa chọn dũng cảm

Azad Al-Barazi – nhân viên cứu hộ bãi biển Venice (một bờ biển thuộc Los Angeles, Mỹ) – không phải là một nhân vật quá nổi bật với làng thể thao nước Mỹ. Tuy nhiên, anh lại chính xác là… “một biểu tượng của hy vọng” cho vùng đất Trung Đông máu đổ thường ngày. VĐV mang 2 quốc tịch Mỹ và Syria sẽ… đại diện cho làng thể thao Syria ở Olympic Rio de Janeiro 2016, và đây là lần thứ 2 anh thi đấu dưới màu cờ sắc áo của quê hương cha mẹ ở đấu trường Thế vận hội, Al-Barazi từng tham gia nội dung 100m ếch ở Olympic London 2012.

 Azad Al-Barazi đã có một sự lựa chọn đầy dũng cảm

Làm thế nào mà Al-Barazi, một cựu sinh viên được Đại học Hawaii xem như là một sinh viên người Mỹ hơn là sinh viên Syria, lại lựa chọn một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá để đại diện, khi mà anh sẽ không nhận được một chút lợi lộc nào từ sự đại diện này? Al-Barazi cho biết, anh lựa chọn Syria hồi năm 2012, khi đất nước này vừa bắt đầu sa chân vào cuộc nội chiến đẫm máu, ở thời điểm đất nước này đã chạm đáy nhưng anh hy vọng rằng, từ đáy vực sâu, Syria không còn có thể chìm sâu hơn, mà chỉ còn cách vận động đi lên. Nhưng 4 năm sau, mọi chuyện có vẻ như vẫn vậy, rằng Al-Barazi đã lạc quan tếu. Mọi thứ ở Syria vẫn chưa được cải thiện, hàng triệu người dân ở nơi đây đã ra đi để tránh chiến tranh loạn lạc và lưu lạc trên đất khách quê người. Để rồi từ đó, một số người được chọn vào đội Olympic dành cho những người tị nạn tại Rio. Tuy nhiên, với Al-Barazi, Olympic là một cơ hội để chiếu sáng cuộc sống chật vật của những người dân Syria tội nghiệp.

“Những gì xảy ra ở Syria thật bi thảm và đau lòng. Và bất cứ thứ gì có thể mang đến một tương lai chắc chắn cho Syria đều được xem là một nguồn cảm hứng. Nó sẽ mang đến những viễn cảnh, rằng tôi đã may mắn như thế nào, được ban phước lành như thế nào khi được ở đây và sống ở đây, và có cơ hội trở thành một người Mỹ gốc Syria”, Al-Barazi cho biết.

Vì tình hình chiến tranh, nguồn tài chính dành cho các VĐV Syria đến thi đấu ở Rio gần như không có. Điều đó có nghĩa là, Al-Barazi phải tự chi trả cho bản thân trong chuyến hành trình tham dự Olympic 2016. Khi anh bay đến Brazil, thậm chí anh còn bị giữ lại ở sân bay trong 3 tiếng đồng hồ vì Ủy ban Olympic Syria không hề nói với IOC rằng anh sẽ đến. Ở Rio, cơ hội để Al-Barazi thắng HCV hầu như không có. Tại London, thành tích trong cự ly 100m ếch của anh (1’03”48) thậm chí còn không đủ để anh vượt qua vòng loại. Nhưng ai cũng có mục tiêu của riêng mình, Al-Barazi không thể mơ mộng thắng các tấm HCV thứ 19 và 20 như đồng hương Michael Phelps, anh chỉ cần hoàn tất bài thi của mình với thành tích… dưới 1 phút, như vậy là quá đủ đối với anh. “Nói theo giả thuyết, nếu tôi bơi với thành tích 59 giây 99 và hoàn tất vòng bơi cuối cùng. Tôi sẽ rất hài lòng. Tôi sẽ cố bơi với thành tích 59 giây 99 hoặc tốt hơn, và cố gắng lọt đến đợt bơi chung kết, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ tạo nên lịch sử cho Syria. Tôi đang cố tạo nên lịch sử cho quê hương của cha mẹ mình”.

Syria mới chỉ thắng vỏn vẹn 3 tấm huy chương ở đấu trường Olympic. Tấm HCV duy nhất xuất hiện hồi năm 1996, ở Olympic Atlanta, khi Ghada Shouaa giành ngôi vô địch ở bộ môn 7 môn phối hợp. Với những người như Al-Barazi, việc lựa chọn thi đấu cho một làng thể thao vừa kém phát triển, vừa bị hạn chế vì bom đạn chiến tranh là một sự lựa chọn cực kỳ dũng cảm. Ở Rio, Al-Barazi không chỉ bơi vì bản thân mình, anh còn bơi vì những người dân Syria thường ngày mà hy vọng đơn thuần đôi khi chỉ là sống, là tồn tại. Al-Barazi, cũng như nữ kình ngư trẻ người Syria Yusra Mardini, người sẽ thi đấu trong đội hình tuyển Olympic dành cho người tị nạn dưới lá cờ của IOC, là những gương mặt “nhỏ nhưng không nhỏ” ở Rio de Janeiro năm nay.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục