Bán kết lượt về Cúp quốc gia 2016
1. Mới có vài năm, bóng đá Đông Nam Á đã thay đổi quá nhiều. Nhìn 2 bảng đấu của AFF Cup 2016, có cảm giác như bảng nào… cũng khó, cũng là “tử thần” cả. Với Việt Nam, cái cảm giác “dễ thở” chủ yếu không cùng bảng đấu với Thái Lan, nhà đương kim vô địch.
Gần chục năm trước, bảng đấu của Việt Nam chắc chắn sẽ được gọi là bảng khá nhẹ bởi cả Myanmar lẫn Malaysia đều là những đối thủ có thành tích kém khi đối đầu với Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chẳng biết “mèo nào cắn mỉu nào".
Đã không thể nói bảng đấu của Việt Nam là nhẹ nhàng, lại càng không thể xem tránh được Thái Lan là “dể thở”. Việc vượt qua vòng đấu bảng là nhiệm vụ đầu tiên nhưng tiến vào chung kết là cái đích cần phải đặt ra để thực hiện. Tuy nhiên, càng ở một bảng dễ thì lại càng có khả năng phải đối đầu với một đội mạnh tại bán kết càng lớn. Về lý thuyết, nếu xem bảng còn lại là “tử thần” thì 2 đội bóng nào đứng đầu bảng này đều là ứng cử viên cho chức vô địch. Trường hợp của năm 2014 cũng tương tự khi 2 đội đứng đầu “bảng tử thần” là Thái Lan và Malaysia lọt vào chung kết. Malaysia khi đó suýt bị loại ở vòng bảng nhưng lại chơi hay hơn hẳn khi vào được bán kết.
2. Vấn đề của bóng đá Việt Nam không phải là “dễ thở” hay ở “bảng tử thần” mà là bản lĩnh thi đấu. Trong hơn 20 năm qua, ngoài trận chung kết 2008, có lần nào bóng đá Việt Nam thật sự thành công ở các trận đấu quyết định? Cùng trong 1 giải đấu, nếu vòng loại đá hay bao nhiêu thì ở lần gặp lại chính đối thủ, thường thì Việt Nam tự đánh mất chính mình hơn là đối thủ chơi hay hơn. Nếu điều này thi thoảng xảy ra, hoặc ở cấp độ đội tuyển quốc gia thôi thì không nói, đằng này nó xảy ra liên tục, từ “U” cho đến đội lớn và cả bóng đá nữ. Rốt cục, cái thất bại của Việt Nam nằm ở bản lĩnh nếu chúng ta và bóng đá Đông Nam Á là có cùng đẳng cấp với nhau.
Vậy nên, với bóng đá Việt Nam, không còn khái niệm “dễ thở” hay “tử thần”. Ví dụ như xem bảng đấu của mình là dễ thở thì liệu chúng ta có sẵn sàng “giấu bài”, thậm chí là đá xấu để giữ sức mạnh bất ngờ cho giai đoạn knock-out hay không? Nếu cứ “đá đẹp rồi thua” thì thà rằng cứ rơi hẳn vào bảng đấu nặng thì vẫn tốt hơn. Bằng ngược lại, nếu xác định mình sẽ phải vào chung kết, cái cần tính thì phải tính, cần che dấu thì phải che giấu chứ không nên tái diễn cái cảnh đá vòng bảng thì phô bày toàn bộ đến các trận then chốt thì chẳng còn chút năng lượng nào để chiến thắng.
Nếu chúng tôi nhớ không lầm, chỉ có AFF Cup 2008 là giải đấu đầu tiên kể từ SEA Games 1995 mà Việt Nam vào bán kết theo cách của một đội bóng “chiếu dưới” sau vòng đấu bảng.
Hồ Việt