Không phải đến khi đội U22 chơi không thành công ở vòng loại châu Á thì chúng ta vội vàng kết luận đấy là thất bại. Công bằng mà nói, khó có thể yêu cầu cao hơn đối với thầy trò ông Lư Đình Tuấn nếu xét đến quá trình chuẩn bị vừa qua. HLV thì “bất đắc dĩ”, tập huấn thì chẳng có, đội hình thì ráp nối vội vã, làm sao mà thành công cho được?
Chúng ta không nên trách HLV Lư Đình Tuấn, mà đúng hơn, nếu có thì cũng trách ông sao tự dưng nhận việc dễ dàng như thế. Ông Tuấn có quyền từ chối mà chẳng ai có thể nói là ông thiếu tinh thần phục vụ quốc gia.
Nhưng cũng vì ông Tuấn đã nhận và đã không thành công, có lẽ cũng cần nên thấy rằng việc chọn HLV cho đội U22 không thật sự đúng chuẩn mực cần thiết. Như chúng ta đã biết, đội U22 lúc đầu giao cho ông Mai Đức Chung nhưng vì ông này thiếu bằng cấp của AFC nên mới quay xuống cho ông Lư Đình Tuấn.
Nếu ông Chung làm thì không có mấy ai thắc mắc bởi kinh nghiệm làm trẻ của ông Chung đã được chứng minh, nhưng khi giao cho Lư Đình Tuấn thì thấy hơi kỳ kỳ. Ông Tuấn không có kinh nghiệm làm trẻ, lại chịu cú sốc ở CLB Sài Gòn Xuân Thành.
Ông Tuấn cũng chưa có các trải nghiệm tại cấp độ quốc tế. Vậy mà khi ông sang Myanmar, bộ sậu hỗ trợ cũng toàn những người ít kinh nghiệm dù chúng ta đang tham gia một giải cấp độ châu lục. Thế mới có cảm giác, với đội U22 thời điểm đó, hình như ai làm cũng được.
* * *
Thật ra, chuyện chọn HLV trưởng cho đội tuyển thì không phải cứ là người giỏi nhất, tốt nhất. Nhưng dù là thế nào đi nữa, cũng phải có những tiêu chí hẳn hoi về kinh nghiệm và mức độ am tường.
Việc chọn ông Tuấn thật ra lỗi lớn nhất thuộc về hệ thống tổ chức các đội tuyển của VFF. Đến thời điểm này, VFF mới nhìn nhận vấn đề Giám đốc kỹ thuật cho các đội tuyển dù đây là vị trí mà chúng ta luôn thiếu.
Ở các nước có sự phát triển về bóng đá, vị trí này hay được gọi là “Giám đốc thể thao” và có từ cấp độ CLB đến đội tuyển. Đây chính là người sẽ quyết định vấn đề chọn nhân sự, duyệt các kế hoạch thi đấu và thường sẽ làm trưởng đoàn khi thi đấu giải bởi mức độ am hiểu trong công tác quản lý.
Ở Việt Nam, đâu có thiếu người làm vị trí này mà cụ thể nhất là ông Mai Đức Chung, người từng kinh qua công tác Trưởng bộ môn bóng đá, HLV đội U23 và cả cấp độ CLB. Một người như vậy thì tìm đâu cho xa, hơn thế, rõ ràng ông Chung rất sẵn lòng nhận việc. Chẳng hiểu sao, “ép” ông Chung nhận việc tại U22 thì được trong khi một vai trò phù hợp hơn với ông lại không được tính tới. Cũng nên nhớ là ông Chung từng được ướm vào chức danh Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.
Mà cũng chẳng phải chỉ có mình ông Chung, những người như chuyên gia Lê Thế Thọ, Dương Vũ Lâm hay cựu Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn đều có thể đảm nhiệm vai trò này nếu như VFF đánh giá cao vai trò đó.
Mà thật sự, vai trò đó cao và quan trọng lắm. Nếu có từ lâu thì VFF đâu có rối chuyện tìm HLV. Ở cấp độ CLB, việc ông Trần Tiến Đại làm HLV cho Sài Gòn Xuân Thành là một ví dụ…
Hồ Việt