1. Có lẽ vì quá cao hứng mà bầu Đức, và có lẽ một vài lãnh đạo VFF khác, quên mất rằng: Các đội tuyển quốc gia không phải của họ.
Cần phải nhớ chính xác điều này: Đội tuyển quốc gia không thuộc về VFF, không thuộc về nhà tài trợ, cũng không thuộc về lực lượng CĐV.
Không thể và không được phép nhân danh bất kỳ điều gì để “đặt điều kiện” với đội tuyển quốc gia. Bóng đá đẹp là để phục vụ khán giả ư? Lấy cái gì chứng minh số người muốn xem đội tuyển đá đẹp lại nhiều hơn số người muốn xem đội tuyển đá có thành tích? Lấy gì chứng minh số đông khán giả đến sân xem đội tuyển là những CĐV đích thực, tức là có tình yêu bóng đá, sự tự hào dân tộc hay khả năng hiểu biết cao hơn những người không đến sân?
Cần phải nhớ rằng: Đội tuyển quốc gia thi đấu không chỉ để phục vụ thị hiếu khán giả và các CĐV thực thụ cũng không luôn đến sân chỉ để chứng kiến một trận đấu mang tính chất biểu diễn. Đội tuyển quốc gia khác hẳn với CLB. Người hâm mộ đến sân vì đó là đội tuyển của họ, đông hay không đông thì cũng phải bắt đầu từ điều đó. Nếu chúng ta đá đẹp mà thắng thì còn gì để nói, nhưng cũng cần phải nhắc lại: Rất nhiều lần đội tuyển Việt Nam được ca ngợi, yêu quý, tạo ra vô vàn xúc cảm bởi tinh thần chiến đấu của họ. Không phải trận đấu nào khi đó, cũng đẹp như cách mà người ta đang nói lúc này. Bóng đá Việt Nam, cần lưu ý, vẫn là một nền bóng đá kém phát triển.
Bầu Đức (trái) và HLV Miura, ai đang là người thực sự có ích cho bóng đá Việt Nam? Ảnh: Minh Trần
2. Cứ cho là những phát biểu của bầu Đức xuất phát từ cái Tâm của ông, cứ cho là những yêu cầu của nhà tài trợ, xuất phát từ cái Tình dành cho bóng đá Việt, thế nhưng nếu điều đó xảy ra với một CLB thì chẳng nói làm gì, đằng này, là đội tuyển quốc gia. Đặt các điều kiện như vậy, là lố bịch. Không khác gì một việc ngã giá cho một thương vụ kinh doanh, dù là vì mục đích gì đi nữa.
Chúng ta không nói về động cơ, mà nói về chuyện thái độ. Nếu bầu Đức muốn thấy một đội U.23 chơi đẹp, thế thì tại sao ngay từ đầu không quyết liệt với Miura lúc mới ký hợp đồng?! Nếu thực sự muốn Miura thay đổi, tại sao không dùng tư cách của một phó chủ tịch hoặc một người yêu bóng đá để mời Miura một bữa tối chẳng hạn và dò hỏi tâm tư. Là người đứng đầu một tập đoàn lớn, có kinh nghiệm làm việc với rất nhiều người tài, tại sao với Miura thì bầu Đức phải dùng đến “chiêu” hạ sách nhất là gây áp lực thông qua dư luận. Xin nhắc lại: Động cơ của bầu Đức hay các nhà tài trợ có thể tốt, nhưng cách hành xử thật “không thể tin nổi”, nhất là với những người giàu kinh nghiệm trên thương trường. Nói theo kiểu bình dân: Làm người, ai làm thế.
3. Và chúng tôi xin đặt một câu hỏi: Nếu thật sự có Tâm với nền bóng đá, tại sao ở thời điểm này lại gây áp lực bằng biện pháp “thủ công” như vậy. Xin nhớ, ngoài 7 cầu thủ HA.GL, đội tuyển U.23 còn 23 cầu thủ khác. Họ có thể không giỏi về kỹ thuật, không biết cách chơi đẹp nhưng họ đang tập luyện để cố gắng làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường châu Á. Trong số họ, rất nhiều người chịu ơn của Miura và sẵn sàng làm tất cả cho ông thầy của mình. Họ sẽ mang cảm giác thế nào khi tuân thủ đúng ý đồ của HLV trưởng để bị dư luận ghét bỏ. Không lẽ bầu Đức và một bộ phận dư luận đang muốn các cầu thủ U.23 chống lại ông thầy của mình bằng cách cứ đá cho đẹp rồi thua cũng được hay sao?
Tại sao đến bây giờ lại “tổng tấn công” HLV Miura khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là U.23 đã xung trận? Như vậy là đóng góp hay là phá hoại?
HỒ VIỆT