Án phạt của VFF dành cho Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) cuối tuần rồi như là một sự mong muốn kết thúc luồng dư luận phẫn nộ của người hâm mộ về tình trạng bóng đá bạo lực. Nó cũng cho thấy rõ hơn sự bất nhất của VFF khi mà hôm trước người đứng đầu tổ chức này quy kết dư luận đã “cường điệu hóa bạo lực sân cỏ” nhưng hôm sau đã nhận xét “đá như vậy là không thể chấp nhận”. Một quyết định kỷ luật khá nặng tay khi đình chỉ thi đấu Đình Đồng đến cuối năm và phải bồi thường chi phí điều trị cho cầu thủ Anh Hùng (HV An Giang).
Nhưng liệu nạn bạo lực sân cỏ có chấm dứt được không? Câu trả lời là có nếu… thay máu V-League.
Ở vòng đấu cuối tuần, HLV Lê Huỳnh Đức xuất hiện trên báo chí với gương mặt thẫn thờ và những câu nói như van xin.
Huỳnh Đức nói với trợ lý trọng tài trong trận SHB Đà Nẵng đá với Hải Phòng rằng có cách gì đó để đội ông xin thua, vì đá kiểu này thì cầu thủ vào bệnh viện hết.
Sau đó, trao đổi với báo chí, Huỳnh Đức nói: “Hải Phòng đâu có đá banh mà là đánh võ” và đặt câu hỏi không biết có ai dạy cầu thủ chơi xấu không chứ ở SHB Đà Nẵng, ông không hề dạy cầu thủ của mình chơi xấu.
“Đáp lại”, tân HLV Hải Phòng Dylan Kerr phân bua rằng ông cũng đâu có dạy cầu thủ… đánh võ!
Có lẽ Dylan Kerr nói thật. Vị HLV này từng là trợ lý thể lực cho đội tuyển Việt Nam, từng chơi bóng ở Anh và kinh qua nhiều nơi huấn luyện khác nhau, chẳng lẽ đến V-League ông lại dạy cầu thủ chơi xấu? Vậy nên, chơi xấu ở V-League có lẽ xuất phát từ… trong máu.
Hầu hết cầu thủ bóng đá khi trao đổi đều cho biết những bí kíp cần có khi vào nghề là học cách né đối phương và học chơi tiểu xảo. Có thể, giáo trình bóng đá quốc tế có nói đến chuyện này như là một cách để cầu thủ tự hạn chế chấn thương nếu khả dĩ gặp tình huống đá rắn.
|
Nhưng nó đã được truyền đạt lại, bằng kinh nghiệm của cầu thủ đi trước và cũng có thể bằng cách nói của HLV, cho rằng các cầu thủ hiện nay muốn tồn tại phải nằm lòng bí kíp ấy.
Tất nhiên, có chơi xấu mới có chuyện cầu thủ phải học “bài” né. Vấn đề này VFF biết rất rõ nên một khi nó trở thành vấn đề trầm kha ở V-League thì VFF không thể thoái thác trách nhiệm.
Từ việc thờ ơ với bạo lực cho đến phát biểu của lãnh đạo VFF quy kết dư luận “cường điệu hóa bạo lực sân cỏ” cho thấy những người làm công tác quản lý quá xem thường những quy tắc tối thiểu trong bóng đá.
Đến đây, có thể kết luận chuyện ai dạy cầu thủ đá rắn. Nếu ngay từ đầu, các quy định được áp dụng và thực thi đúng mức thì bạo lực không có môi trường dung dưỡng, cầu thủ không còn phải học bí kíp chơi xấu mà thời gian chăm lo tập luyện, rèn kỹ thuật, chiến thuật thi đấu… thì trình độ bóng đá trong nước không phập phù như hiện nay.
PHƯƠNG NAM