Ai đang “cường điệu hóa” bạo lực?

Ngay khi Báo SGGP đăng loạt bài báo động về tình trạng bạo lực trên sân cỏ Việt Nam đang bùng phát dữ dội, trong đó chúng tôi có nói đến trách nhiệm của những nhà quản lý trong việc dung túng cho bạo lực, thì quyền Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng, lại cho rằng giới truyền thông đang “cường điệu hóa” bạo lực sân cỏ. Theo ông, đấy chỉ là những “tai nạn nhỏ”, kiểu như “ra ngoài đường, quẹt xe chút xíu cũng có thể xô xát vì đôi bên cùng nóng nảy, thiếu kiềm chế”.

Lời ông Dũng vừa nói xong, ngay lập tức đã có thêm một cầu thủ nữa phải nằm cáng thương đi thẳng đến bệnh viện, đó là hậu vệ Anh Hùng của đội An Giang phải nghỉ ít nhất 1 năm vì cú đạp gãy chân của trung vệ Đình Đồng (SLNA), một cựu tuyển thủ quốc gia. Chính ông đã yêu cầu các cơ quan dưới quyền “xử nghiêm” vụ việc này, xem đó như là “án điểm” về bạo lực dù trước đó ông lại cho rằng, án phạt cấm thi đấu 5 trận đối với trường hợp của Đinh Văn Ta (đội Ninh Bình) là quá nhiều!

Những pha vào bóng như muốn triệt hạ đối phương vẫn thường xuyên diễn ra ở V- League. Ảnh: MINH TRẦN

Những pha vào bóng như muốn triệt hạ đối phương vẫn thường xuyên diễn ra ở V- League. Ảnh: MINH TRẦN

Không thể hiểu nổi, một người đứng đầu làng bóng đá mà lại có những cách đánh giá hết sức bàng quan về một trong những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với tương lai của bóng đá Việt Nam như vậy.

Bạo lực sân cỏ tại Việt Nam không phải là những vụ “va quẹt xe” khi giao thông, mà đó là “căn bệnh ung thư” đang ngày một tàn phá cơ thể vốn chẳng khỏe mạnh gì của bóng đá Việt. Nó đâu chỉ thể hiện trên số lượng cầu thủ phải nhập viện vì chấn thương nghiêm trọng mà là những pha “bỏ bóng đá người”, là những màn ẩu đả chỉ từ một va chạm nhỏ, là tư tưởng “bóng đi người ở lại”… Cầu thủ không xem nhau như đồng nghiệp mà sẵn sàng triệt hạ lẫn nhau để phục vụ cho mục đích chiến thắng của đội nhà. Với không ít đội bóng, đấy còn là phương thức để đạt được kết quả tốt cho mình.

Bạo lực sân cỏ đã phá hoại hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Những trận đấu bị cắt vụn bởi hàng loạt pha phạm lỗi đã khiến khán giả chán ngán khi thay vì đến sân xem bóng đá đẹp lại phải chứng kiến những trận đấu võ.

Thực tế cho thấy, V-League không nhận được bất kỳ đồng tài trợ, quảng cáo nào ngoài khoản tài chính của những người đang quản lý bóng đá. Không ai muốn thương hiệu doanh nghiệp bị vấy bẩn bởi những pha bóng rợn người, gây căm phẫn trong dư luận. Nói cách khác, bạo lực sân cỏ không thể được ví như chuyện giao thông ngoài xã hội vì hậu quả của nó nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Dư luận có “cường điệu hóa” bạo lực sân cỏ không? Xin thưa là không. Những gì đang được giới truyền thông phản ảnh, thậm chí chỉ mới là bề nổi, những gì có thể trông thấy được. Phần chìm của tảng băng ấy còn nằm ở sự thiếu văn hóa của các cầu thủ; của hệ thống đào tạo hoàn toàn không giáo dục ý thức ứng xử mà chỉ chăm chăm dạy cầu thủ những cách thi đấu thực dụng để ra sân thi đấu càng sớm, càng tốt. Dư luận cũng chỉ mới đề cập một phần nhỏ về sự dung dưỡng của các CLB đối với những cầu thủ có xu hướng chơi bạo lực của mình.

Những phản ảnh của dư luận lẽ ra phải được các nhà quản lý xem xét cẩn trọng để đưa ra những quyết sách căn cơ nhằm ngăn ngừa bạo lực từ gốc. Đằng này, ngay chính người đứng đầu nền bóng đá còn xem đấy như là điều bình thường trong xã hội thì thật không thể hiểu nổi!

ĐĂNG LINH

>> Bạo lực sân cỏ - Bệnh đã lờn thuốc

Tin cùng chuyên mục