Ai dám “chơi tới bến”?

Những trận đấu play-off AFC Champions League vừa kết thúc. Có điều dễ nhận ra là các đội bóng của Đông Nam Á vốn đình đám trong khu vực nhưng vẫn ngã dễ dàng trước đại diện đến từ Đông Á.

Những trận đấu play-off AFC Champions League vừa kết thúc. Có điều dễ nhận ra là các đội bóng của Đông Nam Á vốn đình đám trong khu vực nhưng vẫn ngã dễ dàng trước đại diện đến từ Đông Á.

Cụ thể thì Sukhothai FC (Thái Lan) thua Shanghai SIPG (Trung Quốc) 0-3. JDT của Malaysia cũng chẳng hơn gì với thất bại cùng tỷ số trước Gamba Osaka (Nhật Bản), còn CLB Hà Nội thì trước đó để thua Kitchee (Hồng Công-TQ). Tuy vậy, Kitchee chẳng khá hơn khi đụng Ulsan Hyundai (Hàn Quốc) sau đó thì đã thua ở loạt sút luân lưu 11m.

Đội hình trẻ của Hà Nội FC khi đối đầu CLB Kitchee. Ảnh: T.L.

Lâu nay các CLB vùng Đông Nam Á chỉ được nửa suất đá AFC Champions League nên cơ hội không nhiều. Vì giả như có vượt qua trận play-off thứ nhất thì vào vòng sau phần nhiều cũng bị các đối thủ mạnh khác của Đông Á chặn lại. Riêng với bóng đá Việt Nam vài năm qua CLB Hà Nội được phân cho nửa suất, có nghĩa đá play-off xong rồi cũng bị thua nặng các đại diện xứ Hàn sau đó.

Nhắc chuyện các đội bóng của ta thường yếm thế mỗi khi chơi ở đấu trường AFC Champions League lại nhớ đến năm 1992, thời điểm đội bóng Hải Quan tham gia cúp C1. Đại diện của TPHCM nhờ giành chức vô địch giải các đội mạnh toàn quốc năm 1991 nên được dự C1. Tuy vậy, HLV Nguyễn Kim Hằng hồi đấy đã tâm sự rất thật là chẳng mong giành thành tích cao, do sự chênh lệch về đẳng cấp và cả gánh nặng tiền nong… 

Sau này khi cúp C1, C2 được cải cách thành AFC Champions League và AFC Cup đã có nhiều thay đổi, nhưng tựu trung vẫn là hai sân chơi cao nhất. Ở khu vực Đông Nam Á, từng có BEC Tero Sasana giành vị trí á quân do thua Al Ain (UAE) trong trận chung kết mùa giải 2002-2003. Đáng chú ý nhất là những năm 1994, 1995 có đội bóng Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan hai năm liền đoạt cúp C1 châu lục.

Ngân hàng Nông nghiệp khi đấy nhờ sở hữu thế hệ vàng của bóng đá Thái Lan rồi làm mưa làm gió. BEC Tero Sasana sau này thì chơi ngang ngửa với nhiều đại diện Đông lẫn Tây Á nhờ biết cách nâng chất CLB theo đúng nghĩa chuyên nghiệp.

Với các đội bóng Việt Nam, chỉ duy nhất B.Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup 2009 dưới thời HLV Mai Đức Chung. Còn lại đa phần lo đá bổng đá bỏ bằng dàn cầu thủ trẻ hoặc đội hình hai để rảnh chân trở về kiếm thành tích ở V-League. Ở sân chơi châu lục, các CLB Việt Nam rất ngại chạm mặt các đại diện Đông Á đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản vì biết trước đường nào cũng thua. Năm nay, bóng đá trong nước có CLB Hà Nội dự play-off nhưng vừa bị gãy nên chuyển xuống chơi AFC Cup cùng Than Quảng Ninh vùng mỏ. Tình hình là thế, nhưng vẫn chưa gì cho thấy họ sẽ đá tới cùng khi cả hai sân Hàng Đẫy và Cẩm Phả không đủ chuẩn nên buộc lòng đi thuê sân trung lập.

V-League trội hơn M-League của Malaysia, nhưng trừ mỗi B.Bình Dương từng “chơi tới bến” thì phần còn lại chưa cho thấy sẵn sàng tranh tài thực thụ ở sân chơi châu Á. Ngược lại, M-League không được chú ý bằng V-League nhưng đã có CLB Johor Darul Ta’zim từng giành AFC Cup hồi năm 2015 thì đúng là có nhiều điều đáng ngẫm.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục