77 năm thể thao Việt Nam: Tự hào và trăn trở

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục (27-3-1946) cho đến nay, nền thể thao Việt Nam đã sánh vai với bạn bè thế giới ở những sân chơi lớn nhất hành tinh và châu lục, để lại những dấu ấn không phai, ngày càng phát triển. Nhưng, cùng với đó, chúng ta cũng đối diện với các thách thức mang tính thời đại.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vui mừng khi đoạt vé dự vòng chung kết World Cup 2023. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vui mừng khi đoạt vé dự vòng chung kết World Cup 2023. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Để đánh giá sự tiến bộ của thể thao Việt Nam (TTVN) thì các cột mốc tại SEA Games có lẽ là thực tiễn và chính xác nhất. Chúng ta tái hòa nhập với thể thao khu vực khá muộn, tại SEA Games 1989 và tại kỳ đại hội đầu tiên này, cũng chỉ có vỏn vẹn 3 chiếc HCV. Nhưng từ đó đến nay, đoàn TTVN đã đoạt tổng cộng 3.232 huy chương, trong đó có 1.133 HCV, tức là chỉ kém 9 HCV so với đoàn Malaysia, quốc gia đã tham gia SEA Games liên tục kể từ năm 1959. Nếu tính về tỷ lệ tăng trưởng thành tích, thì Việt Nam là quốc gia phát triển nhất tại SEA Games vì chúng ta tham gia muộn nhất (ngoài trường hợp Timor Leste) và chưa nói đến những khó khăn của một đất nước phải xây dựng lại mọi thứ sau chiến tranh.

Kể từ năm 2003, tức là chỉ sau 14 năm với 7 kỳ dự đại hội, TTVN lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn. Và từ đó đến nay, TTVN luôn có mặt trong tốp 3, trong đó có 3 kỳ đứng nhì và thêm một lần xếp thứ nhất cùng việc thiết lập hàng loạt kỷ lục về số lượng huy chương ở SEA Games 31 vừa tổ chức hồi năm ngoái trên sân nhà. Nghĩa là không chỉ đạt được các bước tiến về thành tích qua thời gian, mà TTVN còn thiết lập cả vị thế đứng đầu khu vực, tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiềm lực của quốc gia. Những thành công trong thể thao luôn có ý nghĩa phản ánh sự thịnh vượng của đất nước, đó chính là niềm tự hào lớn nhất của những người làm thể thao Việt Nam.

Người hâm mộ luôn cuồng nhiệt với bóng đá Việt Nam. Ảnh: HOÀNG YẾN

Người hâm mộ luôn cuồng nhiệt với bóng đá Việt Nam. Ảnh: HOÀNG YẾN

2. Nhưng nói về thành công của TTVN không thể không nhắc đến những hy sinh thầm lặng của nhiều thế hệ HLV, VĐV. Còn nhớ, khi sang Anh tham dự Olympic 2012, đội tuyển thể dục dụng cụ của Việt Nam không thể tập luyện với các thiết bị quá mới mẻ, hiện đại mà nước chủ nhà cung cấp. Các VĐV của chúng ta đã quen với sự thiếu thốn, cùng các thiết bị lỗi thời có từ thời được hỗ trợ từ thập niên 80-90 thế kỷ trước từ những nền thể thao xã hội chủ nghĩa bạn bè.

Vậy nhưng, SEA Games 2005 ở Philippines, đội thể dục dụng cụ đã đoạt đến 5 HCV, một cú “đại nhảy vọt” ở môn thể thao được xem là gian khổ nhất. Hãy hình dung đến việc các VĐV của chúng ta phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các đối thủ đến từ những quốc gia có điều kiện kinh tế tốt, để thấy giá trị của những tấm huy chương.

Hay như chiếc HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 , chiến công của bản lĩnh và ý chí của một người lính - VĐV. Phải đến khi đăng cai SEA Games lần thứ 2 trên sân nhà hồi năm ngoái, Việt Nam mới có trường bắn tiêu chuẩn quốc tế. Trước đó, chúng ta thậm chí còn thiếu đạn thật để tập, trong khi điều kiện công nghệ quá thiếu thốn, các xạ thủ phải “bắn… tưởng tượng”.

Nói về thành công, có lẽ không có gì rõ ràng hơn vị trí số 1 khu vực của môn thể thao nữ hoàng - điền kinh và Việt Nam đã vững vàng thống trị ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, vượt qua cường quốc Thái Lan. Những VĐV điền kinh Việt Nam đã chinh phục được HCV ở Asiad lẫn SEA Games trong các nội dung được xem là tiêu chuẩn nhất của Olympic như nhảy cao, nhảy xa, chạy cự ly trung bình. Các giới hạn về thể hình hay điều kiện cơ sở vật chất đều không thể cản được quyết tâm và tài năng của VĐV Việt Nam.

3. Có câu: Đạt thành công đã khó, giữ thành công còn khó hơn. Đó cũng chính là điều trăn trở của những nhà quản lý TTVN.

Chúng ta đã có những bước tiến khổng lồ trong 77 năm qua, nhưng nếu so với trình độ của thể thao thế giới vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Đó không chỉ là vấn đề về chuyên môn, mà còn ở hệ thống cơ sở vật chất, mức độ đầu tư và cơ chế vận hành của nền thể thao. Chúng ta chỉ mới có “điều kiện cần” là niềm đam mê, tiềm năng con người, tinh thần nhưng vẫn còn thiếu các “điều kiện đủ” về tài chính, mô hình hay công nghệ để rút ngắn khoảng cách so với thế giới. Đó là một bài toán hóc búa, bởi nếu thỏa mãn với ngôi đầu Đông Nam Á như hiện nay, không thay đổi mạnh mẽ các yếu tố mang tính nền tảng, đặc biệt là không chuyển sang thi đấu theo mô hình chuyên nghiệp, thì TTVN sẽ luôn ở trạng thái “vừa đủ”, khó phát triển mạnh hơn.

Tính đến nay, dù đã 2 lần tổ chức SEA Games, một lần đăng cai đại hội tầm cỡ châu Á là Asian Indoor Games cùng một số giải đấu cấp châu lục khác, nhưng khả năng đăng cai Asiad vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có một khu liên hợp thể thao tầm châu lục nào, một sân vận động có sức chứa lớn nào, sau các cơ sở vật chất ở khu liên hợp Mỹ Đình vốn đang xuống cấp sau 20 năm vận hành. Nói cách khác, từ thành tích đến cơ sở vật chất và tính chuyên nghiệp, TTVN hiện chỉ dừng ở mức độ tiệm cận với trình độ châu Á, vẫn chưa có bước đột phá để tiếp sức cho cuộc chinh phục đỉnh cao lớn lao nào trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục