Gần một tháng kể từ sau thất bại khi thi đấu ở Anh, bây giờ Nguyễn Tiến Minh mới ra sân thi đấu. Năm 2014, cầu lông Việt Nam lại trở thành một trong những bộ môn được rót kinh phí hoạt động tương đối… ít từ ngành thể thao.
Theo tìm hiểu của SGGP Thể thao, năm nay nhiều khả năng ĐTQG sẽ không tập trung. Liên đoàn cầu lông Việt Nam và bộ môn (Tổng cục TDTT) sẽ chỉ tập trung vào một số cá nhân chuẩn bị cho các giải quốc tế thi đấu ở cấp độ quốc gia. Quan trọng nhất là Asian Games 17.
Cũng bởi, kinh phí ngành rót cho cầu lông cho cả năm 2014 chỉ là 30.000 USD. Do vậy, Tiến Minh là ngôi sao sáng nhất và có cơ hội tranh chấp giải nếu thi đấu quốc tế nên một phần của kinh phí trên sẽ dành cho tay vợt này tập huấn, thi đấu.
Asian Games 15-2006, Tiến Minh lần đầu dự một kỳ Asian Games. Dù lúc ấy vẫn còn là gương mặt trẻ, tay vợt của TPHCM được đánh giá có triển vọng nhất. Khi đó, cầu lông Việt Nam không đạt được thành tích gì (góp mặt 4 VĐV nam).
Asian Games 16-2010, Tiến Minh ở độ chín nhất của sự nghiệp và được xem có cơ hội cao nhất tranh chấp vào top 3 đơn nam. Chúng ta vẫn bất thành.
Chuẩn bị cho Asian Games 17 năm nay, Tiến Minh tiếp tục là tay vợt được chờ đợi. Sau 8 năm, cầu lông nam Việt Nam vẫn chỉ chờ đợi ở một Tiến Minh. Lần thứ 3 trong sự nghiệp, tay vợt nam số 1 Việt Nam sẽ tham dự Asian Games.
Điều mà ít VĐV nào của Việt Nam có được. Với số tiền 30.000 USD khá eo hẹp, nên cầu lông chỉ có 1 VĐV duy nhất nằm trong danh sách 64 VĐV xuất sắc nhận đầu tư trọng điểm và hưởng chế độ 400.000 đồng/người/ngày về dinh dưỡng và 400.000 đồng/người/ngày tiền công.
Nếu xét ở mặt thu hút khán giả, ngoài bóng đá là lĩnh vực riêng, trong các môn thể thao đỉnh cao còn lại, cầu lông luôn đứng ở 3 vị trí đầu về việc thu hút khán giả tới nhà thi đấu theo dõi. Lượng khán giả chỉ đông nếu người ta biết, Tiến Minh sẽ góp mặt thi đấu.
Trò chuyện với một nhà cung cấp dụng cụ thể thao đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, vị này cho biết, Tiến Minh vẫn là trường hợp duy nhất của cầu lông quốc nội nhận được gói tài trợ riêng có số tiền lớn và trực tiếp vào VĐV. Một số gương mặt mới đây như Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen, Đào Mạnh Thắng, Bùi Bằng Đức có nhà tài trợ.
Tuy nhiên, khoản tài trợ vẫn chưa ăn thua gì. Bây giờ, với thị trường Việt Nam, các thương hiệu cung cấp dụng cụ thể thao ở môn cầu lông chưa vội vàng đầu tư riêng vào một tay vợt nào. Họ chủ yếu rót tiền tài trợ tới đơn vị nào đó có phong trào cầu lông mạnh. Tự các đơn vị sẽ điều tiết sao cho khoản tài trợ vào các tay vợt hiệu quả nhất qua thành tích.
Dễ thấy, cầu lông Việt Nam vẫn biết sự “lệ thuộc” vào Tiến Minh nhưng lực bất tòng tâm chưa tìm được một hay nhiều gương mặt mới thế vai. Vai trò của Tiến Minh vẫn quan trọng. Có thể, tay vợt này ra thi đấu quốc tế (gần đây) sớm bị loại nhưng về quốc nội tranh tài, chưa ai qua mặt được Tiến Minh.
Đó là lý do vì sao nhiều đơn vị, địa phương trong nước vẫn rất muốn câu kéo Tiến Minh về khoác áo. Bởi, nếu có Tiến Minh trong đội hình rồi thi đấu thắng tất cả các giải quốc nội, thành tích thi đua như thế đã… đủ rồi. Đó đang là nghịch lý với làng cầu lông nam Việt Nam.
MINH CHIẾN