Bóng đá Nhật Bản vừa tổ chức hội thảo 20 năm phát triển giải nhà nghề của mình với sự tham gia của các đại diện bóng đá Đông Nam Á, nơi người Nhật đang có chiến lược truyền bá sự thành công của mình.
Ai cũng biết, với sự ra đời của J-League hơn 20 năm trước, bóng đá Nhật Bản tiến bộ bước vừa dài, vừa lớn ra thế giới để trở thành đội bóng số 1 châu Á và thường xuyên dự World Cup. Nghe thì tưởng đơn giản nhưng trong 20 năm hình thành và phát triển của mình, J-League đã phải đối diện với không ít vấn đề nan giải, phải liên tục vận động thay đổi mới có được thành quả như hiện nay.
Những biến cố của J-League có thể được viết thành sách. Bắt đầu từ năm 1993, như sự phát triển nóng của J-League chỉ tồn tại có 3 năm đầu tiên. Từ năm 1996 đến 1999, bóng đá Nhật rơi vào trạng thái bão hòa và đi xuống khiến những nhà quản lý phải thay đổi cấu trúc giải đấu và đề ra chiến lược 100 năm để xây lại nền móng cho bóng đá chuyên nghiệp.
Họ không ngần ngại thử nghiệm hàng loạt thay đổi với nỗ lực cải tổ toàn diện cấu trúc của nền bóng đá. Phải đến năm 2004, J-League mới bắt đầu được vận hành trơn tru và giữ được đà phát triển cho đến nay. Điều này cho thấy, 10 năm đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp là thử thách rất lớn đối với những người làm chiến lược của bóng đá Nhật Bản.
10 năm đầu tiên đó của J-League, có đến 4-5 quyết định quan trọng, thậm chí họ sẵn sàng lật tung cả các cấu trúc có sẵn để tìm ra con đường đúng đắn. Từ chỗ đó, nhìn lại bóng đá Việt Nam đã thấy một khoảng cách xa về tư duy quản lý.
Đến nay V-League đã đi được 13 năm. Dù có lộ trình khá bài bản cho từng giai đoạn nhưng thử hỏi cho đến nay, sau nhiều vấn đề nẩy sinh, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã có lần nào ngồi lại để xem thử con đường đã đi sai chỗ nào, cần làm gì để sửa chữa.
Những người đã từng viết ra đề án bóng đá chuyên nghiệp như các ông Phạm Ngọc Viễn, Phan Anh Tú, Dương Vũ Lâm… vẫn còn đấy chứ có đi đâu nhưng tại sao không thể tư duy một cách khác về sự phát triển của V-League?
Bây giờ VFF bảo là sẽ sang Nhật Bản học hỏi làm bóng đá chuyên nghiệp. Học thì không khó, vấn đề là học bằng tư duy nào. Thử hỏi chỉ nội việc chấp nhận cho V-League 2013 phải có đội rớt hạng thế mà VFF không “dám”, vẫn thích “đi xuôi, về lọt” để bảo vệ sự thành công giả tạo của giải đấu thì liệu sau khi học người Nhật về chúng ta có “dám” thay đổi không? Những nhà quản lý vẫn tìm cách giải thích mỗi khi du di cho các CLB về tiêu chuẩn chuyên nghiệp thay vì chính họ phải “siết”
cho chặt. Tất nhiên, những lý giải đều có vẻ thuyết phục, chỉ có điều là nó không phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp đích thực.
Người Nhật làm bóng đá với tư duy của một quốc gia công nghiệp. Cần thay đổi thì nhất định phải thay đổi và làm đến tận cùng. Cái tư duy đó mới là điểm mấu chốt của sự phát triển chứ không phải photocopy một hình mẫu nào đó để rồi tự cho rằng mình đã làm bóng đá chuyên nghiệp.
Đăng Linh