Góp mặt tại sân chơi đỉnh cao này có đến 183 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh chấp 16 bộ huy chương.
Tuy số nước tham gia rất đông, nhưng chỉ có 30 nước giành được huy chương. Ba vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chung cuộc thuộc về Hàn Quốc (5 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ), Turmenistan (2, 1, 0), Serbia (2, 0, 0). Đội tuyển Việt Nam góp mặt 7 võ sĩ và giành được 1 HCB do công của Trương Thị Kim Tuyền. Thành tích này ngang với Đài Loan xếp hạng 15 chung cuộc (hạng 5 châu Á) sau các nước Turmenistan, Trung Quốc (1, 0, 3, hạng 6), Iran (0, 3, 1, hạng 11), Thái Lan (0, 1, 2, hạng 13). Để đạt được những kết quả trên, Trung Quốc tham dự với 16 VĐV, Đài Loan 16 VĐV, Iran 14 VĐV, Thái Lan 8 VĐV… Trong lúc đó, một số nước châu Á khác cũng đưa sang lực lượng khá hùng hậu nhưng vẫn trắng tay như: Ấn Độ 16 VĐV, Philippines 12 VĐV, Nhật Bản 11 VĐV … Do vậy, đáng nể nhất là Turmenistan khi chỉ có 6 VĐV vẫn về đích ở vị trí á quân.
Từ thống kê trên, cuộc tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á chỉ khoanh gọn giữa Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, từ chiếc HCĐ của Lê Huỳnh Châu hồi năm 2011 đến nay, Việt Nam trải qua 2 kỳ giải trắng tay, trong lúc Thái Lan đưa quân sang Hàn Quốc ăn tập đều đặn nên đều có huy chương cũng như từng đoạt 1 HCB, 1 HCĐ tại Olympic Rio 2016. Chung vui với thành tích của taekwondo Việt Nam với chiếc HCB Thế giới lịch sử, nhưng để có thể đăng quang ở đấu trường Asian Games 2018 sau nhiều năm vắng bóng hoặc giành suất dự Olympic 2020 rất cần một chiến lược đầu tư dài hơi và khoa học.
Và cũng tại giải đấu này Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) đã chính thức thay đổi tên và logo toàn cầu từ WTF thành WT (World Taekwondo). WT và ITF (Liên đoàn Taekwondo Quốc tế) đạt được “thỏa thuận bằng miệng” để biểu diễn trong Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Pyeong Chang, Hàn Quốc.