Tiếc cho V-League

Ở vòng 11 vừa qua, mặc dù thi đấu vào ngày thứ sáu và thứ bảy, nhưng V-League ghi nhận trung bình có đến hơn 10.000 người đến sân. Đây là con số cao nhất trong mùa giải này và nằm trong tốp 3 của lịch sử V-League.

Điều này cho thấy sức hút của các trận đấu đã tăng lên rất nhiều. Cũng phải thôi, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, cuộc đua vô địch không còn là câu chuyện của các đội bóng được cho là “của bầu Hiển”. Những bước tiến vững chắc của CLB TPHCM đã tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt. Bên cạnh đó, do năm nay có gần 2 suất xuống hạng nên cả bên trên lẫn bên dưới của bảng xếp hạng đều hứa hẹn nhiều bất ngờ. Chính vì thế, chỉ mới sau 10 vòng đấu, đã có đến 4 HLV mất việc do thành tích thi đấu kém.

Rất tiếc là các nhà điều hành bóng đá Việt Nam dường như vẫn chưa dành cho V-League sự quan tâm một cách xứng đáng. Thậm chí, những sự thay đổi khi xảy ra đều khiến cho V-League chịu thiệt thòi. Lấy ví dụ, chỉ vì tập trung đội tuyển tham dự một giải đấu giao hữu King’s Cup mà V-League đã thi đấu các vòng 11, 12 rơi vào các ngày thứ năm, thứ sáu. Như đã biết, trong năm 2019 này, do vướng lịch thi đấu của U.23 và đội tuyển mà V-League phải xáo trộn liên tục. Bắt đầu chậm, kết thúc thật nhanh, dồn ngày đá liên tục bất chấp có thuận lợi cho người xem hay không. Điều này cho thấy V-League gần như chỉ là “sân sau” của các trận đấu cấp độ đội tuyển. 

Tất nhiên là nghĩa vụ quốc gia phải đặt lên hàng đầu, nhưng phải có một sự thỏa hiệp nhất định nhằm giữ cho V-League vị thế quan trọng vốn dĩ của nó. Trước đây, người hâm mộ thì chán chẳng muốn xem, truyền thông thường xuyên phê phán chất lượng V-League, ai cũng đòi hỏi giải đấu số 1 quốc gia phải làm sao để tăng lượng người xem và sự hấp dẫn của các trận cầu. Bây giờ, khi  bóng đá nội được quan tâm, kịch tính tăng lên… thì V-League lại bị “đối xử” không đúng mực.

Hồi cuối tuần qua, dù chỉ là ngày thứ sáu, nhưng trận Nam Định - Hà Nội FC đã ghi nhận lượng khán giả lên đến 19.000 người. Con số này chắc chắn không kém gì các trận đấu của đội tuyển quốc gia. Cần lưu ý, đó chưa phải là ngày cuối tuần và Nam Định vốn chỉ là một đội bóng yếu. Thế nhưng, khi họ đối đầu với “đội tuyển quốc gia thu nhỏ” của Hà Nội thì người hâm mộ thành Nam vẫn nhiệt tình đến cổ vũ. Kết quả như đã biết, Nam Định đánh bại nhà vô địch. Đối với CĐV Nam Định mà nói, đó là cơn địa chấn không kém gì việc đội tuyển quốc gia vào tứ kết Asian Cup 2019.

Nói như vậy để thấy, khi đặt V-League đúng chỗ, khơi dậy đúng tiềm lực, thì sự hấp dẫn của giải đấu này không hề nhỏ một chút nào. Lúc V-League sa sút đã cần phải quan tâm, thì lúc mà chất lượng của nó đã tăng lên, lại càng phải dành thêm sự đầu tư cũng như các định hướng hợp lý. 

Nói cho cùng, mối quan hệ giữa V-League và đội tuyển quốc gia như cá với nước. Không thể có chuyện bên này tốt mà bên kia cứ đì đẹt giậm chân tại chỗ.

Tin cùng chuyên mục