Không bàn đến chuyện đúng - sai khi ông Khoa phát hành các cuốn sách trong đó đề cập một số thông tin nội bộ của đội U.23 Việt Nam. Bởi theo ông Khoa, nội dung các cuốn sách đã được VFF xem qua và bản thân ông tự chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Hơn nữa, các thông tin ấy cũng giúp cho người hâm mộ hiểu rõ hơn về những cầu thủ, một nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, việc một thành viên của ban huấn luyện đội tuyển nhưng lại thông báo và viết sách ngay trong thời điểm đang tham gia vào “chiến dịch” Asiad rõ ràng là không hợp lý. Nó khiến cho người ta nghi ngờ sự tập trung cũng như động cơ làm việc. Kể về một câu chuyện sau khi mình không còn liên quan khác hẳn với việc lên kế hoạch “tường thuật” câu chuyện theo kiểu “nhân vật trải nghiệm”. Tức là “Công” và “Tư” lẫn lộn.
Với những ai theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm, thì hành động của ông Lê Huy Khoa lại càng khó chấp nhận. Chúng ta đã mất một thời gian rất dài để cố gắng đưa hoạt động tại hệ thống các đội tuyển về với nguyên tắc “đúng người, đúng việc”. Trước đây, chúng ta đã phê phán chuyện các HLV trưởng bị can thiệp khá nhiều về chuyên môn, bao gồm từ lối chơi cho đến bản danh sách triệu tập cầu thủ. Dần dần, việc này cũng giảm đi khá nhiều, HLV trưởng (kể cả HLV nội) đã nhận được quyền hạn cao nhất, bao gồm tự quyết định bộ khung trợ lý cho mình để tránh chuyện “lắm thầy, nhiều ma”. Đội tuyển cũng đã có những cán bộ chuyên trách các mảng truyền thông, hậu cần, thể lực. Vị trí trưởng đoàn cũng được giao cho những người có chuyên môn, giỏi đối ngoại thay vì một quan chức nào đó để “ngồi cho đủ chỗ”.
Bên cạnh đó, với sự tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, người hâm mộ cũng bắt đầu “soi” các vị trí ở đội tuyển nhiều hơn. Mới đây, ông Phan Anh Tú bị “ném đá” tơi bời chỉ vì đăng ảnh đi tham quan ngắm cảnh sau khi đội tuyển bóng đá nữ thua thảm tại Asian Cup 2018, mặc dù hoạt động này diễn ra sau khi đội tuyển đã kết thúc giải đấu. Hoặc trước đây, Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ đã phải từ chức sau vụ tiêu cực ở SEA Games 2005 chỉ vì ông đóng vai trò trưởng đoàn bóng đá. Rõ ràng, ngồi vị trí nào thì phải chịu trách nhiệm với công việc mình làm, nhất là các vị trí có tính chất đặc thù cao.
Xét ở góc độ đó, việc một trợ lý ngôn ngữ lại chủ động viết sách về nội tình đội tuyển không thể cho là chuyên nghiệp hoặc xem đó là công việc cá nhân của mình. Không ai cấm, nhưng cũng không nên làm ở những thời điểm cụ thể.
Không cần phải lấy ví dụ đâu xa, HLV Park Hang-seo đã thể hiện “đúng chỗ, đúng việc” những gì mà ông nhận lương để làm. Nhà cầm quân này không sử dụng mạng xã hội, mọi phát ngôn đều có sự thông qua của VFF. Các nguyên tắc làm việc đó cũng được thấy rõ ở các bản danh sách tập trung đội tuyển U.23 và mới nhất là đội tuyển Việt Nam. Dù nhiều người muốn dùng đội U.23 đá thay cho đội tuyển nhưng ông Park Hang-seo vẫn sẽ triệu tập rất nhiều cầu thủ từ thời HLV Miura. Ông làm đúng việc của mình chứ không vì “nhu cầu” của ai khác.