Vì sao bóng đá phía Nam sa sút?

Không chỉ vì thiếu tiền

Cách đây 2 năm, sau khi Cà Mau giành quyền thăng hạng nhất, họ đã làm đơn xin… trở lại hạng nhì vì không có kinh phí. Bầu Thắng, khi đó đang là Chủ tịch Công ty VPF, đã phải xuống tận nơi thuyết phục thành lập công ty quản lý đội bóng để giữ Cà Mau đá hạng nhất, nhưng cũng chỉ được 1 mùa.
Đồng Tháp một thời từng là niềm tự hào của bóng đá ĐBSCL, nhưng hiện đang tuột dốc không phanh vì thiếu kinh phí và lực lượng kế thừa. Ảnh: NHẬT ANH
Đồng Tháp một thời từng là niềm tự hào của bóng đá ĐBSCL, nhưng hiện đang tuột dốc không phanh vì thiếu kinh phí và lực lượng kế thừa. Ảnh: NHẬT ANH
Chơi không được thì… bỏ
Đó là lần thứ 2 ông Võ Quốc Thắng trực tiếp làm việc với địa phương về việc thành lập đội bóng sau lần đầu khi ông tiếp nhận đội Long An. Rất tiếc, nỗ lực của bầu Thắng và Công ty VPF đã không đi đến đâu vì chỉ sau 1 năm, Cà Mau rơi trở lại hạng Nhì và hiện đang “lẹt đẹt” ở vị trí cuối bảng cùng với những đội miền Tây khác như Bến Tre, Tiền Giang, An Giang. 
Không phải tự nhiên mà đến nay, Long An vẫn duy trì được CLB chuyên nghiệp kể cả khi không còn bầu Thắng ở vai trò chủ tịch đội bóng, mà xuất phát từ mong muốn thực sự của những nhà làm bóng đá địa phương, cộng hưởng với sự đam mê của doanh nghiệp đầu tư. 
Cựu danh thủ bóng đá Đồng Tháp Trần Công Minh thừa nhận: “Thời kỳ đỉnh cao của Đồng Tháp và Long An đều gắn liền với những cầu thủ địa phương. Đó là truyền thống đáng tự hào, nhưng hiện nay những CLB khác ở miền Tây đều đau đầu với bài toán nhân sự”.
Bầu Thắng từng kể, buổi chuyển giao đội Long An cho Gạch Đồng Tâm hồi năm 2001 diễn ra trong một quán ăn đồng quê vắng vẻ trên bờ sông Vàm Cỏ. Đấy là bữa tiệc được ông Út Toản, Giám  đốc Sở TDTT Long An, tổ chức với mục tiêu “không cho ông Thắng ra về nếu… chưa nhận đội bóng”. Khát vọng đưa đội bóng lên đỉnh cao của những nhà quản lý bóng đá Long An không chỉ nằm ở quyết tâm mà còn ở quá trình chuyển giao nhanh chóng, vô điều kiện toàn bộ cơ sở vật chất có sẵn. Chưa hết, từ Bí thư Tỉnh ủy đến Chủ tịch UBND tỉnh Long An thường xuyên đến xem các trận đấu của Gạch Đồng Tâm, tham gia các hoạt động khác cùng đội bóng. Khi về hưu, những vị lãnh đạo này sẵn sàng đảm nhận các vai trò khác như Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Long An nhằm thể hiện sự cam kết với doanh nghiệp. Ông Út Toản, sau khi chuyển giao đội cho Gạch Đồng Tâm, cũng sẵn lòng “hy sinh” vai trò của mình, mặc dù trước đó ông đã có vai vế trong làng cầu Việt Nam. 
Trong tất cả các đội bóng miền Tây từng đá ở hạng cao nhất, chưa nơi nào có được quyết tâm và đồng lòng từ trên xuống dưới như tại Long An. Trong khi đó, như đã biết, các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá luôn chờ đợi những cam kết của những người đứng đầu địa phương, nếu không được ưu đãi về đất đai thì ít nhất cũng là cơ chế để họ kinh doanh nhằm lấy lợi nhuận tái đầu tư cho bóng đá.
Sa sút đào tạo trẻ
Giải thích về thất bại của Cà Mau, ông Tạ Hoàng Hiện, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh, cho biết: “Kinh tế những năm gần đây ở ĐBSCL phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình xã hội hóa vào bóng đá là chưa hoàn toàn phù hợp với một số địa phương. Như Cà Mau là địa phương nằm ở cực Nam Tổ quốc, xa các khu trung tâm kinh tế nên rất khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Mặc khác, các doanh nghiệp trong tỉnh không thể kham nổi hàng chục tỷ đồng cho 1 mùa bóng. Trong khi đó, Cà Mau vẫn chưa đào tạo lớp kế thừa sẵn sàng cho những sân chơi lớn”.
Từng được xem là cái nôi của bóng đá phong trào phía Nam khi nguồn cầu thủ trẻ ĐBSCL đã cung cấp một lực lượng lớn cho bóng đá cả nước, nhưng hiện nay khoảng trống về đào tạo trẻ cũng chính là điểm yếu của khu vực này. Ngoài phần đỉnh cao không tốt nên không hỗ trợ được cho phong trào, công tác đào tạo ở những nơi này chủ yếu dừng lại ở mức duy trì, còn những cầu thủ trẻ có tiềm năng thì gia đình không hướng đến “sân nhà” nữa, bởi sự xuất hiện của các học viện đào tạo như NutiFood, PVF và HA.GL JMG, gần đây có thêm Becamex Bình Dương luân phiên tuyển sinh khiến các phụ huynh hướng đến những “lò” có tiềm năng này hơn là tỉnh nhà. 
Các đội bóng của ĐBSCL hiện nay rất khan hiếm nguồn cầu thủ tốt để dự phòng. Ngay như TP Cần Thơ bao năm qua vẫn nổi tiếng với việc chiêu mộ lực lượng từ bên ngoài với các hợp đồng ngắn hạn nhưng rất tốn kém. Đồng Tháp sau khi “vét” lứa U.21 lên đội hình 1 rồi thu luôn cả lứa U.19 và sau này phải mở rộng cửa đón cầu thủ từ bên ngoài về, nhưng hiện vẫn chưa thấy khả quan. Ngay như Long An, hiện phải vay mượn cầu thủ từ khắp nơi do đào tạo không hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục