Tuy mang danh giải toàn quốc, nhưng thực tế chỉ là sân chơi của VĐV Hà Nội, TPHCM, Yên Bái, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Giang và trong 13 đội tham dự có đến 6 CLB của TPHCM với nhiều gương mặt trẻ.
Ở nước ta, phong trào bóng ném hình thành khoảng cuối thập niên 1970 tại TPHCM, dù vậy môn thể thao này vẫn phát triển khá chậm và các giải toàn quốc chỉ có 6-7 địa phương tham gia, do kinh phí, cơ sở luyện tập ở các địa phương còn khó khăn. Muốn xây dựng 2 đội bóng ném (nam, nữ) cần đầu tư cho 32 VĐV (16 nữ), chưa kể tuyến trẻ và năng khiếu, sân thi đấu đảm bảo kết cấu phù hợp với kích thước trên 20x40m…
Theo ông Huỳnh Minh Ngôn, phụ trách bộ môn bóng ném Sở VH-TT TPHCM, trong thời gian gần đây, bóng ném được quan tâm nhiều hơn trong các trường học. Với cùng thời điểm xuất phát, đội ngũ VĐV trẻ ở các địa phương có trình độ chuyên môn đồng đều hơn và là bước chuẩn bị cho đội ngũ kế thừa. Nhằm động viên phong trào, Giải vô địch học sinh toàn quốc khối trung học cơ sở lần 1 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6 tới.
Năm nay, song song với việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần 8 vào tháng 11, bóng ném còn tham gia một số sân chơi quốc tế như: Giải vô địch bãi biển thế giới (tháng 8, Nga), Giải U.19, U.20 khu vực 2 (gồm Việt Nam, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Đài Loan, Hồng Công, Macau - Trung Quốc (tháng 8, Hồng Công)…
Năm 2017, đội tuyển nữ đã đứng hạng 2 và đội nam hạng 4 tại Giải bóng ném bãi biển châu Á (tháng 4, Thái Lan), đội nam và nữ đều giành HCV Giải bãi biển Đông Nam Á (tháng 11, Philippines) và đội nữ vô địch, đội nam hạng 3 Giải Trung Quốc mở rộng.