Đây là một sự kết hợp được đánh giá sẽ đem “chất” đến nhiều hơn cho V-League, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đầu tiên, đó là việc tái xuất hiện một thương hiệu nội địa, đánh dấu một sự thay đổi lớn về hoạt động tiếp thị của V-League.
Nutifood tài trợ V-League có thể sẽ kéo theo làn sóng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ở giải hạng nhất, các giải bóng đá trẻ và đặc biệt là việc đầu tư cho các CLB, nền móng của nền bóng đá.
Thứ hai, phải rất, rất lâu rồi, kể từ sau Number One năm 2005, thì Nutifood là một thương hiệu thuộc nghành hàng tiêu dùng tham gia tài trợ cho V-League. Điều này cho thấy, bóng đá Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của các hoạt động tiếp thị, tài trợ bởi các nghành hàng tiêu dùng luôn là những đơn vị chịu chi nhất của thị trường này.
Có một chi tiết cũng rất đáng lưu ý. Nutifood làm quen với bóng đá thông qua việc tài trợ U19 hồi năm 2014. Họ đã có được những thành công rất nhanh và từ đó đến nay, đầu tư vào bóng đá ngày một nhiều hơn, sâu rộng hơn mà việc thành lập học viện đào tạo ở TPHCM hồi năm trước là minh chứng.
Sự gắn kết của Nutifood với V-League càng khẳng định bóng đá Việt Nam vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội và các doanh nghiệp hàng đầu. Ở khía cạnh khác, sức hút từ bóng đá vẫn còn nguyên vẹn, vấn đề còn lại nằm ở khả năng khai thách cũng như các định hướng của những nhà quản lý để có thêm các doanh nghiệp đầu tư dài hạn như Nutifood.
Theo chia sẻ của ông Trần Anh Tú, người cũng đã nổi tiếng với tên gọi “cha đẻ của Futsal Việt Nam”, thì: “V-League sẽ tiếp tục là bệ phóng vững chắc cho các cầu thủ trẻ. VPF củng cố chủ trương là khuyến khích các CLB sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, theo đó, bắt buộc mỗi đội dự V-League phải đưa vào đội hình thi đấu 1 cầu thủ dưới 23 tuổi”. Theo ông Tú, đây chính là cách đầu tư về “chất” cho tương lai của bóng đá Việt Nam.