Duyên nợ với cử tạ
Gặp Khổng Mỹ Phượng sau một buổi tập tại Nhà tập luyện Phú Thọ (quận 11), người viết ấn tượng với vẻ ngoài xinh xắn và gương mặt rạng ngời của cô. Mới nhìn, có lẽ ít người dám tin Mỹ Phượng lại theo đuổi môn thể thao “siêu nặng” như cử tạ, vì vóc dáng của Phượng khá nhỏ. Nhưng khi trò chuyện với cô, mới cảm nhận được khát khao cống hiến cho cử tạ luôn cháy bỏng trong Mỹ Phượng.
Xuất thân từ gia đình không có truyền thống thể thao, đường đến với cử tạ của Mỹ Phượng khá đặc biệt. VĐV sinh năm 1999 này chia sẻ, từ khi còn là học sinh tiểu học, cô đã có năng khiếu về thể thao. Minh chứng là việc cô có thể chơi được hầu hết các môn và đều đạt thành tích cao ở các giải cấp trường, cấp quận.
Đến những năm THCS, nhờ thể trạng và thành tích nổi bật, Phượng được một thầy ở trung tâm thể thao của quận chú ý và thuyết phục đi tuyển sinh môn cử tạ. “May mắn đến với em khi hôm nay dự thi, ngày mai đã được gọi vào đội tuyển thành phố. Lúc đó em mới 12 tuổi, quyết định tham gia cử tạ vì nghe chế độ đãi ngộ tập luyện hàng tháng cho VĐV trẻ khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy, em có thể phụ giúp được ba mẹ phần nào chi tiêu trong gia đình”, Khổng Mỹ Phượng bày tỏ.
Từ đó, cô nữ sinh lớp 6 đã lén gia đình đi tập và bắt đầu vào sự nghiệp cử tạ theo cách chẳng ai ngờ.
Phượng nhớ lại: “Mỗi ngày, sau giờ tan trường là em lại đi bộ mất 30 phút đến Nhà tập luyện Phú Thọ để luyện. Cả tháng trời như thế, mỗi lần về nhà là em bị “no đòn” vì cha mẹ nghĩ đi chơi về trễ. Chịu không nổi nên em nghỉ tập luôn”. Không thấy Phượng đến tập, ban huấn luyện hiểu ngay vấn đề và tìm đến tận nhà để thuyết phục gia đình, cam kết rằng cô sẽ có một tương lai thể thao tươi sáng. Sau đó, Mỹ Phượng mới được cho theo đuổi môn cử tạ.
Chuyện bây giờ mới kể
Gắn bó với cử tạ gần 10 năm, đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, nhưng Phượng vẫn nhớ như in những ngày đầu làm quen với gánh tạ. “Khi mới vào tập em chỉ khoảng 31kg, lúc đó mọi thứ quá sức tưởng tượng với em. Trong các buổi tập, phải nâng những khối tạ nặng gần cả trăm ký khiến em đau nhức hết cả người. Thú thật lúc đó em cũng chưa thật sự toàn tâm toàn ý vào môn thể thao này. Tuy nhiên, nhiều lần đạt thành tích cao ở các giải vô địch cử tạ thiếu niên trong nước và quốc tế đã tạo động lực giúp em nghiêm túc hơn với bộ môn, cố gắng vì mục tiêu giành huy chương vàng tại các giải”, cô bộc bạch.
Với Mỹ Phượng, cử tạ giúp cô rèn luyện được tính tự lập, kỷ luật cao, ý chí quyết tâm rất lớn để nâng được mức tạ mong muốn. Mạnh mẽ trên sàn đấu là thế, nhưng cô vẫn biết đỏm dáng như ai. “Nhiều người vẫn nghĩ con gái theo cử tạ sẽ thô lỗ hay chẳng biết sửa soạn. Bản thân em khi đi dự tiệc hoặc đi chơi cùng bạn bè vẫn có thể tự trang điểm và diện váy bình thường. Những lúc đó, mọi người đều khá bất ngờ vì không nghĩ em có thể nữ tính như vậy”, Phượng tâm sự.
Tất nhiên, chuyện chấn thương là điều khó tránh đối với một VĐV. Mỹ Phượng chia sẻ, chỉ cần hụt tay là tạ có thể rớt đè vào đầu, vào người rất nguy hiểm, nên khi tập luyện cần phải tập trung cao độ. Phượng đã dính chấn thương gối, lưng, nặng nhất có thể kể đến chấn thương xẹp khoang đĩa đệm sau khi dự giải vô địch thiếu niên thế giới năm 2015 ở Peru. Lần đó, bác sĩ đã khuyên cô nên chia tay với cử tạ, nếu không có thể phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, bằng sự đam mê và nhiệt huyết ở tuổi 16, Mỹ Phượng vẫn quyết định gắn bó với cử tạ, nén cơn đau, vừa tập luyện vừa trị liệu chữa chấn thương. May mắn thay, sau khoảng thời gian dài chữa trị, chấn thương của cô thuyên giảm và Phượng có thể cử động và sinh hoạt bình thường.
Mỹ Phượng hiện là sinh viên năm 3 chuyên ngành Huấn luyện thể thao của Trường Đại học TDTT TPHCM. Một tuần của cô thường khá bận rộn với lịch trình luyện tập dày đặc cùng với việc học ở trường. Từ thứ hai đến thứ bảy, nữ VĐV tập luyện từ sáng đến chiều tối tại Nhà tập luyện Phú Thọ. Vào khoảng thời gian đi học, sẽ tập luyện bù vào các buổi tiếp theo. Phượng cho biết, nhiều VĐV thường gặp khó khăn vì vấn đề này, nhưng cô luôn biết cách sắp xếp để không ảnh hưởng chuyên môn mà vẫn đảm bảo thời gian đến trường. Hơn nữa, các thầy trong ban huấn luyện luôn tạo điều kiện và động viên cô đi học.
Nói về danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2020”, Mỹ Phượng rất cảm động: “Em bất ngờ lắm khi biết mình nhận được danh hiệu này. Đây là vinh dự của em và cũng là nguồn động viên rất lớn cho em tiếp tục cố gắng trên con đường tập luyện, thi đấu của mình, vì sự nghiệp thể thao của nước nhà. Sắp tới, em sẽ cố gắng thật nhiều để có thể giành suất tham dự SEA Games 2021”.
Khổng Mỹ Phượng là một trong những nữ VĐV hàng đầu Việt Nam ở hạng cân 45kg. Cô giành nhiều thành tích: 1 HCV, 2 HCB tại giải vô địch cử tạ thiếu niên toàn quốc năm 2012; 1 HCV và 1 HCB tại giải vô địch thiếu niên thế giới 2015 ở Peru; 4 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ tại Cúp thế giới, vô địch châu Á, vô địch trẻ thế giới năm 2019. Đầu năm 2020, cô giành 1 HCV, 2 HCB tại World Cup cử tạ diễn ra tại Rome (Italy) |