WTA Tour thời “loạn 12 xứ quân” - Vô địch Grand Slam là… một gánh nặng
SGGPO
Sloane Stephens lại mới vừa bị loại ngay ở vòng 1 của một giải đấu lớn – China Open 2017. Cũng ở giải đấu này, Garbine Muguruza đã bỏ cuộc vì cảm sốt bất ngờ. Hồi tuần trước, dù đã loại chính Muguruza ngay trước “ngưỡng cửa thiên đường”, Jelena Ostapenko vẫn không thể đăng quang tại Wuhan Open. Hóa ra, “cái mác” đương kim vô địch Grand Slam mà Stephens, Muguruza và Ostapenko đang nắm giữ, đã trở thành một thứ “gánh nặng không tên” ở WTA Tour thời loạn lạc.
WTA Tour thời “loạn lạc” WTA Tour thời “loạn 12 xứ quân” đang “rối như canh hẹ”. Bất kỳ tay vợt nào cũng có thể… đăng quang ngôi vô địch ở những giải đấu lớn. Nhưng gần như chẳng có tay vợt nào dám mạnh miệng tuyên bố về tham vọng chạy đua giành ngôi “Nữ hoàng”. Và với những nhà ĐKVĐ Grand Slam trong mùa giải năm nay, danh hiệu không phải là “tấm kim bài miễn tử”, trái lại, trở thành đích nhắm cho tất cả những tay vợt khác cùng săn đuổi và “bắn hạ”. Không có Serena Williams, Venus Williams cũng đã “cạn bình năng lượng” sau khi lọt đến chung kết của Australian Open và Wimbledon trong cùng một mùa giải, Maria Sharapova thì còn lâu mới có thể tìm lại phong độ đỉnh cao của mình, Petra Kvitova vẫn cần chờ “”thêm một phép màu” để mang bàn tay trái hiện tại bay cao và bay xa, rất khó để tìm ra một tay vợt đẳng cấp thật sự, khiến mọi người vị nể…
Maria Sharapova còn lâu mới lấy lại phong độ.
Muguruza giữa ranh giới thành công và sự ám ảnh
Muguruza có thể được xem là một tay vợt tài năng, sau khi thắng danh hiệu Grand Slam thứ 2 trong sự nghiệp – ở Wimbledon. Thắng 1 danh hiệu Grand Slam đã là một chiến công, thắng từ 2 danh hiệu trở lên, như những gì đã từng trải qua với Petra hay tay vợt gạo cội ngươi Nga là Svetlana Kuznetsova, phải là một điều gì đó rất tuyệt vời, rất ấn tượng với một tay vợt. Thắng từ danh hiệu thứ 3 trở lên thì khỏi nói nữa, cô ấy đã trở thành một tay vợt lớn. Nhưng cũng có những xu thế “đi xuống”, như những gì đang diễn ra với Angelique Kerber. Thắng 2 danh hiệu Grand Slam, sở hữu ngôi “Nữ hoàng” và sau đó là những ngày tháng sa sút của tay vợt người Đức – với tổng cộng 20 trận thua chỉ tính riêng trong mùa giải năm nay. Điều đó hẳn cũng đang ám ảnh chính bản thân Muguruza, người đang đi một con đường “ngờ ngợ” như của Kerber. Trước khi giải đấu Wuhan Open khởi tranh, có 2 tay vợt có khả năng tranh ngôi “Nữ hoàng” mà Muguruza đang nắm giữ. Đó là Simona Halep của Rumani và “cựu Nữ hoàng” Karolina Pliskova của CH Séc. Cả 2, khi được các phóng viên hỏi về chuyện này, đều né tránh trả lời vì không muốn chịu áp lực thêm nữa.
Ngay sau đó, họ đều có thành tích không tốt, và đó cũng là lúc người ta chờ đợi Muguruza làm được điều gì đó ở Wuhan. Rốt lại, cô để thua Ostapenko – ĐKVĐ French Open, sau đó, cô đã tán dương đối thủ hết lời: “Cô ấy đã chơi rất quyết tâm, cô ấy đã chơi với sự tự tin rất lớn”. Vấn đề là, sau trận đấu “ngập tràn tự tin ấy”, Ostapenko đã để thua tay vợt kém danh Ashleigh Barty của Australia ở bán kết… Trận đọ sức đầu tiên giữa ĐKVĐ Roland Garros với ĐKVĐ Wimbledon sau khi cả 2 người này lên ngôi, đã có phần thắng nghiêng về Ostapenko, dù Muguruza được đánh giá cao hơn, già dặn hơn và thắng nhiều hơn 1 Grand Slam. Hãy thử xem xét những gì mà Muguruza đã trải qua sau ngôi vô địch ở All England Club.
Ở giải đấu tại Stanford, cô lọt đến bán kết (thua Madison Keys). Ở Rogers Cup – Toronto Open, cô lọt đến tứ kết (thua Elina Svitolina). Ở Southern & Western Open tại Cincinnati, cô đã đăng quang ngôi vô địch (thắng Halep trong trận chung kết).
Nhưng kể từ thời điểm đó trở đi, Muguruza chơi rất tệ. Cô bị loại ở vòng 4 US Open (thua Petra). Tuy nhiên, cô vẫn giành ngôi “Nữ hoàng” sau giải đấu này, vì cả Halep lẫn Pliskova đều chơi không tốt. Tay vợt người Tây Ban Nha tiếp tục trải qua quá trình chẳng mấy hay ho từ khi lên ngôi số 1 thế giới – thua ở bán kết Pan Pacific Open tại Tokyo (thất thủ trước Caroline Wozniacki), thua ở tứ kết Wuhan (như đã biết, là trước Ostapenko), và mới đây, cô đã bỏ cuộc trong trận đấu với Barbora Strycova (CH Séc) ở vòng 1 giải China Open tại Beijing, khi cô đang bị dẫn 1-6, 0-1.
Tính thành tích của Muguruza kể từ khi lên ngôi “Nữ hoàng”, cô trải qua 6 trận thắng và 3 trận thua, không tệ, nhưng đó là với một tay vợt bình thường, còn với một “Nữ hoàng” thì… Muguruza có lý giải tại sao cô bỏ cuộc ở Beijing: “Mọi thứ là rất khó khăn, tôi bị cảm sốt kể tư khi tham dự giải đấu ở Wuhan, tôi không thể trình diễn trong trận đấu ngày hôm nay”. Cảm sốt, hay là một sự ám ảnh, khi tất cả mọi người đều nhìn cô như là một “Nữ hoàng”, một nhà ĐKVĐ Grand Slam, và là “một mục tiêu để bắn hạ”? Chính Muguruza cũng thừa nhận sau khi để thua Ostapenko ở Wuhan: “Đây đơn giản là một tình trạng rất khó xử của tôi, các bạn biết đó, khi mọi người đều bước ra sân đấu, thi đấu chống lại tôi với thứ quần vợt tốt nhất của họ”.
Muguruza giữa ranh giói của thành công và sự ám ảnh.
Stephens – sau vinh quang là cay đắng
Trên thế giới, hiếm có tay vợt nào rơi vào tình cảnh kỳ lạ như là Stephens, sau khi trở thành nhà ĐKVĐ US Open, lại liên tục để thua “vỡ mặt” ở những giải đấu liền kề. Tại Wuhan Open, cô đã để thua tay vợt người Trung Quốc la Wang Qiang ngay trong trận đấu mở màn với điểm số 2-6 và 2-6. Điểm trớ trêu là, Qiang từng được chính HLV của mình nhận định là “vẫn chưa trưởng thành, tuy đã 25 tuổi nhưng chỉ giống tay vợt mới 20 tuổi mà thôi”.
Nhà ĐKVĐ Grand Slam nào lại để thua trắng trong 2 ván đấu trước một tay vợt “chưa trưởng thành” đến từ một đất nước có làng quần vợt "cũng cần phải trưởng thành hơn nữa" (theo lời của chính... Li Na) như vậy? Chỉ có thể là… Stephens, người mà ngay cả chuyện đăng quang US Open 2017 cũng đã tạo ra một dư luận đàm tếu không nhỏ!
Ngay sau đó, Stephens lại tiếp tục “nếm phải trái đắng” khi mới để thua tay vợt đồng hương Christina McHale 3-6, 0-6 trong trận đấu mở màn của cô ở China Open. 2 trận đấu trong tư cách nhà ĐKVĐ US Open, 2 trận thua ngay vòng 1 mà không thắng nổi một ván đấu danh dự nào, vị thế ĐKVĐ Grand Slam đã trở thành một gánh nặng quá tầm với tay vợt người Mỹ. Stephens từng nói sau kết quả thất vọng ở Wuhan: “Tôi cảm giác giống như là tôi đã chơi 25 giải đấu, dù mới trải qua 5 giải đấu gần đây”. Vậy thì, sau “giải đấu thứ 26”, cô có cảm giác gì: “Một ngày quá khó khăn. Thật sự, chẳng có gì nhiều để nói về đó. Đơn giản, phải quên ngay đi kết quả này, tiến lên phía trước, cố đạt được đẳng cấp tốt hơn ở giải lần sau”. Có lẽ, những gì nhiều nhất, Stephens đã “nói sạch sẽ” sau ngôi vô địch bất ngờ ở New York.
Sloane Stephens chơi rất tệ sau khi đăng quang US Open.
Ostapenko, tuy trẻ trung, tài năng nhưng… chưa đủ tầm
Thắng danh hiệu đầu tay chính là ngôi vô địch Roland Garros, Ostapenko đã trở thành một hiện tượng thú vị ở WTA Tour mùa giải năm nay. Không dừng lại ở đó, cô gái trẻ 20 tuổi người Latvia tiếp tục thắng danh hiệu thứ 2 trong sự nghiệp ở Korea Open tại Seoul (thắng Beatriz Haddad Maia của Brazil trong trận đấu chung kết). Ostapenko đang sống trong mùa giải tươi đẹp nhất của sự nghiệp non trẻ của mình. Mới 20 tuổi đã sở hữu Grand Slam, Ostapenko đang được kỳ vọng rất nhiều. Nhưng cũng vì vậy, người ta nhận ra, cô chưa đủ bản lĩnh để gánh vác tầm vóc của một nhà ĐKVĐ Grand Slam thực thụ. Nững gì diễn ra ở Wuhan là một thí dụ rõ nét. Với ưu thế về sức mạnh tinh thần, lý ra, sau khi đánh bại Muguruza, Ostapenko phải thẳng tiến đến ngôi vô địch. Rất tiếc, cô để thua một đối thủ bị đánh giá thấp hơn rất nhiều là Barty.
Trẻ trung và tài năng, nhưng Jelena Ostapenko vẫn chưa xứng tầm của một nhà vô địch Grand Slam.
Với Ostapenko, tương lai là một chặng đường còn rất xa, và cô phải thật tỉnh táo. Ngôi vô địch Grand Slam đầu tiên có thể dẫn đến danh hiệu thứ 2, cũng có thể dẫn đến… một ngõ cụt. Mà thậm chí, người từng thắng 2 Grand Slam như Muguruza, như Kerber, cũng đang hoang mang với chính bản thân mình. Mọi thứ mới chỉ là bắt đầu!