Vườn Quốc gia Tràm Chim: Bảo tồn và phát triển dựa vào cộng đồng

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Công ty Coca-Cola đã phối hợp triển khai dự án “Bảo tồn Đa dạng sinh học - Phát triển Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư gần 1,2 triệu USD.

Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim

Với diện tích hơn 7.000 ha, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar (khu đất ngập nước cần được bảo tồn theo Công ước Ramsar) đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở đây, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sinh sống quanh khu vực, dự án đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm khôi phục môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm và mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương thông qua việc phát triển du lịch sinh thái, khai thác tài nguyên rừng một cách bền vững.

Bằng những nỗ lực khi triển khai dự án tại đây nhiều năm qua, việc quản lý thủy văn được cải thiện, mực nước được điều chỉnh, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi… Qua đó, dự án góp phần duy trì môi trường đất ngập nước, bảo tồn các loài chim quý hiếm, nhất là sếu đầu đỏ - loài chim sắp tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Theo số liệu thống kê từ WWF, gần đây có khoảng 12.000 con cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 con cò trắng đến sinh sống, sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Dự án đã hỗ trợ nâng cấp, cải thiện một phần cơ sở hạ tầng, mở ra nhiều tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới, nhất là du lịch mùa nước nổi, để trở thành điểm đến du lịch sinh thái đặc trưng, tiêu biểu về bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, dự án còn góp phần cải thiện sinh kế địa phương thông qua các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Người dân được tuyên truyền, tập huấn, tham gia vào các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan như chèo xuồng, gặt lúa ma, kể chuyện, nấu ăn, bắt chuột đồng…

Vườn quốc gia Tràm Chim mùa nước nổi

Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Vườn quốc gia Tràm Chim được tham gia khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý vào mùa nước nổi, trung bình thu thêm khoảng 1,46 triệu đồng/tháng/hộ. Các hộ dân khó khăn được hỗ trợ ngư cụ và xuồng để có điều kiện tham gia khai thác thủy sản khi mùa nước về. Ông Hoàng Việt, Điều phối dự án WWF, cho biết: Với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, dự án “Bảo tồn Đa dạng sinh học - Phát triển Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” đã được triển khai thuận lợi và đạt kết quả như mong đợi. Chúng tôi hy vọng các hoạt động quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ tiếp tục được duy trì để giữ vững danh hiệu Ramsar Tràm Chim, đồng thời chia sẻ các bài học kinh nghiệm, thành quả và giải pháp cho các vùng đất ngập nước khác của đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam.

Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola khu vực Đông Dương, chia sẻ: "Phát triển bền vững giữ vai trò cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Coca-Cola. Mục tiêu của chúng tôi dành cho dự án là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Vườn quốc gia Tràm Chim, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Coca-Cola đầu tư vào dự án vì chúng tôi hướng tới việc đem lại những thay đổi tích cực về hệ sinh thái, thủy văn tại Vườn quốc gia Tràm Chim cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".

Để tạo cơ hội phát triển du lịch sinh thái địa phương, từ ngày 25 đến 27-9-2015, Ngày hội Du lịch Đồng Tháp diễn ra tại Vườn quốc gia Tràm Chim với chủ đề “Tràm Chim mùa nước nổi” hứa hẹn thu hút thêm nhiều lượt khách đến đây tham quan.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục