Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn đã chia sẻ chưa có thông báo chính thức của tổ chức doping quốc tế - WADA nên không đưa được bất cứ các con số và kết quả về mẫu thử của VĐV dự SEA Games 31 thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, trong các mẫu thử được nghi vấn dương tính với doping là có VĐV của Việt Nam. Tại ngày 16-9, khi chúng tôi liên lạc thì đại diện Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của SEA Games 31 cũng khẳng định không phải là cơ quan phát ngôn các thông tin cũng như không có thông tin về các kết quả kiểm tra. Theo quy trình, mọi thông tin mà WADA gởi tới từng quốc gia khi có mẫu thử của VĐV dương tính doping sẽ chỉ có Ủy ban Olympic Việt Nam và Trưởng Đoàn thể thao của quốc gia đó biết được. Đó là về nguyên tắc, lý thuyết. Nhưng thực tế, không khó để nhà quản lý nắm được thông tin có hay không VĐV của mình đã dương tính với doping khi thi đấu.
Lúc này, việc tìm hiểu rằng VĐV nào dính doping chỉ là một phần quan tâm. Đều cần giải quyết quan trọng không kém là cấp quản lý phải tìm được nguyên nhân vì sao mẫu thử dương tính cũng như trách nhiệm thuộc về ai.
Xuyên suốt thời gian chuẩn bị cho SEA Games 31, rất ít đội tuyển thể thao của Việt Nam ra nước ngoài tập huấn thi đấu. Đơn cử như đội tuyển điền kinh là đội giành nhiều HCV nhất (22 tấm HCV) ở SEA Games 31 thì thời gian chuẩn bị cho thi đấu Đại hội, các tuyển thủ hoàn toàn tập luyện khép kín tại các Trung tâm HLTTQG ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Đã có thông tin dấy lên nghi vấn có mẫu thử của VĐV môn điền kinh của Việt Nam tại SEA Games 31 dương tính với chất cấm. Ngành thể thao chưa xác thực thông tin trên. Nếu điều này đúng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi có tuyển thủ điền kinh dính doping như vậy.
Giời chuyên môn thể thao đã chia sẻ, rất nhiều lý giải cho việc mẫu thử dương tính với doping. Có thể VĐV bị gián tiếp do ảnh hưởng từ thực phẩm hoặc uống thuốc bổ sung, hoặc vô tình dính phải chất bởi chưa ý thức được thứ mình nạp vào cơ thể hoặc cũng có thể là chủ đích dùng thuốc nhằm tăng cường sức khỏe khi thi đấu. Khi tất cả chưa cụ thể, mọi lý do và phân tích đều được đưa ra.
Việc xử lý nếu sự thật là có VĐV dính doping ra sao là điều cấp thiết. Sự cấp thiết ở đây rằng từ tuyển thủ cho tới HLV trực tiếp và các lãnh đội của môn (vô tình có VĐV dính doping) phải có tri thức về ảnh hưởng của doping trong thể thao. Nếu mọi lời giải thích là...vô tình bị dính thì rất khó thỏa mãi mọi khúc mắc do ở thời điểm lúc này, việc kiểm tra doping là rất nghiêm ngặt, có tính chính xác cao. Đồng thời, WADA liên tục cung cấp tư liệu cho Ủy ban Olympic các quốc gia hàng năm để tăng cường ý thức đối với tác hại của doping trong thể thao.
Khi SEA Games 31 đang diễn ra, tại ngày 13-5, Ban tổ chức SEA Games 31 và Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của SEA Games 31 đã thực hiện buổi tuyên truyền phòng chống doping trong thể thao với thông điệp “say no to doping – Nói không với chất cấm” và “play true – thi đấu trung thực”. Hẳn nhiên, nếu nói rằng người dính doping chưa nhận thức được sự ảnh hưởng của chất cấm là giải thích chưa thấu đáo. Song hành với VĐV ở các đội tuyển thể thao quốc gia đều có các HLV trực tiếp và ban quản lý các Trung tâm HLTTQG nơi họ tập trung tập luyện. Hiện tại, tất cả đều chờ ý kiến chính thức của ngành thể thao về vấn đề doping của SEA Games 31. Trước SEA Games 31, 8 VĐV thể hình cho mẫu thử dương tính doping nhưng sau đó khi kiểm tra lại chỉ có 6 mẫu dương tính còn 2 mẫu âm tính. Các VĐV dính doping bị loại không dự SEA Games 31. Nếu 6 tuyển thủ đó không được kiểm tra và đã thi đấu SEA Games 31, chưa biết cơ sự xảy ra ra sao...