Vì sao HLV nội không phải là ưu tiên?

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú cho biết, HLV ngoại vẫn sẽ là ưu tiên chọn lựa cho ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam trên các tiêu chí “Giỏi, phù hợp và cầu thị”. Từ nay đến lượt trận kế tiếp của vòng loại World Cup 2026 diễn ra vào tháng 6, nếu VFF chưa tìm được người, thì HLV nội sẽ tạm quyền.

Ông Mai Đức Chung, người vừa chia tay đội tuyển bóng đá nữ
Ông Mai Đức Chung, người vừa chia tay đội tuyển bóng đá nữ

HLV nội có thành tích tốt nhất khi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam cho đến nay chính là cái tên vô cùng quen thuộc: Mai Đức Chung, người vẫn được biết nhiều hơn khi là HLV của đội tuyển bóng đá nữ cùng kỳ tích dự World Cup.

Ông Chung từng giúp U23 Việt Nam vô địch Merdeka Cup danh giá của Malaysia hồi năm 2008, rồi chính ông là người giúp Việt Nam giành vé dự Asian Cup 2019. Điều thú vị là cả 2 lần đó, ông Chung cũng chỉ là HLV tạm quyền.

Trong khi đó, suốt 30 năm qua, thành tích của HLV nội đã được chứng minh là không thành công. Nếu lấy cột mốc 20 năm, tính từ sau khi HLV Tavares từ chức vì để thua Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình tại AFF Cup 2004, thì đã có 8 lần VFF bổ nhiệm HLV nội.

Trong số này, có những HLV tạm quyền như Mai Đức Chung (2 lần), Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Sỹ; và cũng có những HLV chính thức như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng.

Nhưng điểm chung của các HLV nội này là hoặc thời gian làm việc quá ngắn ngủi, hoặc không đạt thành tích gì đáng kể. Dưới thời HLV Phan Thanh Hùng, Việt Nam thậm chí còn bị loại từ vòng bảng AFF Cup 2012. Đội U23 Việt Nam do các HLV Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2013 và 2017.

Tất cả những thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam đều do các HLV nước ngoài đem về. Ngay cả những chuyên gia ngoại được xem là không thành công như Tavares, Miura, Falko Goetz ít nhiều cũng đã có những kết quả tốt hơn hẳn so với các đồng nghiệp nội.

Và ở một góc độ khác, chính những thời điểm mà HLV nội cầm quân thì bóng đá Việt Nam đều sa sút ghê gớm. Ví dụ như di sản 4 năm (2007-2010) mà HLV Alfred Riedl và Henrique Calisto để lại thì chỉ 4 năm sau gần như tan tác dưới thời HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc (2012-2013).

Lịch sử đã chứng minh rằng các HLV nội không đủ khả năng mang về thành tích nổi bật mà vẫn chỉ đóng vai trò trợ lý, phụ tá cho HLV ngoại. HLV nội có lợi thế là hiểu rõ tâm lý và suy nghĩ của cầu thủ Việt, nhưng điểm yếu là hầu hết lại không có cái uy giống như những người đồng nghiệp nước ngoài.

Sau khi VFF quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Troussier, đã có một số ứng cử viên nổi lên thay thế, như HLV Chu Đình Nghiêm (Hải Phòng), Vũ Hồng Việt (Nam Định) hay Hoàng Anh Tuấn (U23 Việt Nam), thậm chí cả ông Mai Đức Chung, người vừa chia tay đội tuyển nữ.

Tuy nhiên, đa số các HLV nội đều đang có công việc ổn định tại CLB, lại hoàn toàn thiếu kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia, ngoài trường hợp của ông Mai Đức Chung. Hơn nữa, về lý thuyết, VFF vẫn còn thời gian để lựa chọn HLV ngoại, vì sau khi mục tiêu vào vòng loại thứ 3 World Cup gần đổ bể thì vẫn còn đó “chiến trường” AFF Cup 2024 vào thời điểm cuối năm. Với các sân chơi này, thì tầm HLV nội chưa thể gánh vác.

Tin cùng chuyên mục