Không hiểu sao rất ít xe được đưa ra phục vụ trong khi đoàn người dài dằng dặc. Người Anh đã từng nếm trải cảm giác ấy và họ tức giận đến mức làm đơn kiến nghị tập thể gửi lên UEFA.
Sau trận Anh - Serbia, nhiều người đã dành hơn một giờ để chen chúc trong đám đông trên cây cầu đi bộ gần nhà ga. Hàng trăm người chọn cách đi bộ hàng chục kilomet vào trung tâm thành phố hoặc các thị trấn lân cận để không phải chờ đợi. Nhà ga trung tâm của Gelsenkirchen cũng chẳng khá hơn, trong tình trạng quá tải trên các sân ga.
Trong khi các quan chức địa phương cho biết mọi thứ đang cải thiện, thì các cổ động viên vẫn cảm thấy tồi tệ. “Cải tiến cái gì cơ? Cây cầu đi bộ để vào nơi đón xe rất hẹp, chúng tôi chật cứng ở đó như cá mòi”, Finn, một vận động viên trẻ người Scotland vừa mới quay trở lại nhà ga trung tâm Gelsenkirchen lúc 1 giờ sáng, tròn hai giờ sau tiếng còi mãn cuộc, thốt lên.
Người phát ngôn của thành phố Gelsenkirchen nói với hãng thông tấn Đức (DW) rằng, trong trận đấu giữa Serbia và Anh, số lượng xe điện hoạt động nhiều gấp đôi so với con số phục vụ ở những trận đấu của CLB Schalke tại Bundesliga. Nhưng với các cổ động viên đang dự Euro, lời giải thích ấy chẳng mấy ý nghĩa. Vì họ từ nơi khác đến Đức, chủ yếu dùng phương tiện công cộng, trong khi đặc tính của bóng đá là “đến và về cùng thời điểm”.
Người ta tự hỏi vì sao các nhà tổ chức nước Đức lại chọn Gelsenkirchen làm thành phố đăng cai, khi giao thông không đáp ứng. Các thành phố như Nuremberg, Bremen hay Hanover đều có những sân vận động lớn, hiện đại nhưng lại bị bỏ qua.
Thực tế là người hâm mộ cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự ở những địa điểm khác. DW đã nói chuyện với các cổ động viên Scotland - vốn đông nhất trong số cổ động viên các quốc gia đến Đức dự Euro, và họ cho biết các trải nghiệm đi lại hỗn loạn cũng có ở Munich, Cologne. Davey, người thường xuyên tham dự các trận sân khách của Scotland trên khắp châu Âu, nói: “Bầu không khí thật tuyệt vời, nhưng hệ thống giao thông đúng là một cơn ác mộng. Mọi chuyến tàu dường như đều chạy muộn”.
Chuyện tréo ngoe là DB - hãng vận hành hệ thống tàu điện quốc gia - chính là nhà tài trợ của Euro 2024. Nếu không có thứ bóng đá hấp dẫn và bầu không khí bùng nổ mà Euro 2024 đem lại cho đến nay, những trục trặc về giao thông có lẽ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của giải đấu.
DW nhận định: “May mắn là Gelsenkirchen chỉ tổ chức 4 trận, bao gồm duy nhất 1 trận ở vòng 16 đội. Đây có thể là niềm an ủi cho người hâm mộ cũng như ban tổ chức. Bóng đá đã không thể tỏa sáng ở vùng Ruhr. Huyền thoại về tính hiệu quả của nước Đức đang bị... đặt dấu hỏi”.